"Thương vụ" khổng lồ
Chưa chính thức lên nắm quyền nhưng Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã tạo ra nhiều động thái gây chú ý.
Minh họa/INT |
Chưa chính thức lên nắm quyền nhưng Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã tạo ra nhiều động thái gây chú ý, trong đó có việc bày tỏ mong muốn mua Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới.
Có hai bất động sản khổng lồ trên thế giới mà ông Trump nhắc đến với mong muốn trở thành một thương vụ mua bán sáp nhập của nước Mỹ là kênh đào Panama của quốc gia Trung Mỹ Panama và đảo Greenland ở vùng Bắc Cực lạnh giá của Đan Mạch.
Trong cuộc họp báo tại khu nghỉ dưỡng riêng ở bang Florida hôm 7/1, ông Trump tuyên bố cần phải làm gì đó để sở hữu kênh đào Panama và đảo Greenland vì mục đích an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Greenland là hòn đảo có diện tích lớn nhất trên hành tinh và là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Ngay lập tức ý định thâu tóm hòn đảo này của ông Trump đã gây ra tranh cãi ở các quan chức cấp cao của những bên liên quan. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định Mỹ là đồng minh quan trọng và thân cận nhất của Đan Mạch nhưng nước này vẫn phải kiểm soát đảo Greenland bằng mọi giá.
Lãnh đạo chính quyền tự trị trên đảo Greenland là ông Mute Egede thì khẳng định hòn đảo này không phải để mua bán và người dân địa phương muốn tự quyết định tương lai của mình mà không phụ thuộc vào quan hệ chính trị của Mỹ và Đan Mạch. Do đó, việc mua bán một bất động sản khổng lồ như đảo Greenland gần như có rất ít tính thực tế.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên ông Donald Trump nêu ra ý tưởng mua lại đảo Greenland. Trong nhiệm kỳ làm tổng thống đầu tiên của mình, ông đã từng nhiều lần đề cập đến việc mua đảo.
Ông còn cho rằng Chính phủ Đan Mạch đang nghiêm túc muốn bán đảo Greenland cho Mỹ để giảm gánh nặng ngân sách. Nhưng chính tuyên bố này đã châm ngòi cho căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Copenhagen thời gian đó.
Trong thời gian chuẩn bị trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới, ông Donald Trump lại một lần nữa gây tranh cãi khi nhắc lại ý định muốn mua đảo Greenland. Cùng ngày ông đưa ra tuyên bố này hôm 7/1, con trai cả của ông là Donald Trump Jr. cũng có mặt tại Greenland và dành nhiều thời gian ở thủ phủ của đảo là thành phố Nuuk.
Không chỉ các quan chức Đan Mạch hay Greenland phản ứng về ý tưởng của ông Trump mà ngay cả các quan chức cấp cao đương nhiệm của Mỹ cũng đã lên tiếng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, đây là một ý tưởng không hay và sẽ không bao giờ có thể xảy ra. Trong một tuyên bố hôm 9/1 ông khẳng định đây là việc sẽ không thể xảy ra nên không nên lãng phí thời gian bàn về ý tưởng đó.
Trong khi đó, chính quyền và người dân trên đảo Greenland đang có xu hướng mong muốn được trở thành một quốc gia độc lập, thay vì chính quyền tự trị thuộc Đan Mạch như hiện nay.
Hòn đảo này nằm ở vùng có khí hậu lạnh giá khắc nghiệt ở vòng cung Bắc Cực nhưng lại rất giàu khoáng sản và có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược. Đó cũng là lý do Mỹ đang duy trì một căn cứ quân sự lớn tại đây, nơi có hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo vì con đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ là bay qua hòn đảo Bắc Cực này.
Là một vị tổng thống đắc cử có xuất thân là doanh nhân bất động sản và ngành công nghiệp giải trí, ông Donald Trump luôn có cái nhìn và hành động khác biệt so với các đời tổng thống Mỹ khác.
Ông có xu hướng theo đuổi một chính sách đối ngoại thực dụng và bỏ qua các nghi thức ngoại giao truyền thống, nên các tuyên bố tương tự như mong muốn mua lại đảo Greenland được dự báo sẽ chỉ là một trong vô số động thái gây chú ý khác của ông trong thời gian tới.