Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thiết lập cơ sở dữ liệu liên thông trên nền GIS cho đô thị thông minh

Bộ Xây dựng vừa có công văn 1247/BXD-PTĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ phát triển đô thị thông minh.

Theo Bộ Xây dựng, hệ thống thông tin địa lý (GIS) là hệ thống có chức năng thu thập, lưu trữ, thao tác và phân tích các dữ liệu không gian để phục vụ cho các mục đích khác nhau.

Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là hệ thống được thiết kế, xây dựng để quản lý các cở sở dữ liệu đô thị theo dạng các lớp bản đồ (quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, các công trình hạ tầng, dịch vụ xã hội...) được tích hợp trên nền dữ liệu địa lý quốc gia trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia.

Hệ thống sẽ cho phép hiển thị các lớp thông tin đã được sàng lọc, phân tích, tổng hợp, tính toán theo yêu cầu truy cập thông tin của người sử dụng hệ thống. Các tính năng cơ bản của GIS gồm thu thập dữ liệu, lưu trữ, truy vấn, phân tích, hiển thị và truy xuất dữ liệu. Do đó, việc thiết lập Hệ thống cở sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là nền tảng căn bản cung cấp cở sở dữ liệu để triển khai thực hiện quy hoạch đô thị thông minh, quản lý điều hành đô thị thông minh cũng như tích hợp các tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ phát triển đô thị thông minh. (Ảnh minh họa)

Trước đó, ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 950/QĐ-TTg. Theo đó, các quan điểm và nguyên tắc phát triển đô thị thông minh bền vững của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay ưu tiên tập trung vào các nội dung cơ bản gồm: quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng quy định tại điểm a khoản 61 điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi bổ sung điều 162 Luật Xây dựng năm 2014; Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam về việc thiết lập, duy trì và vận hành cơ sở dữ liệu khung cho hệ thống đô thị toàn quốc trên nền GIS - giai đoạn 01, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu và xây dựng “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh” và gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và một số địa phương để hoàn thiện dự thảo.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện và ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh” làm tài liệu để các địa phương nghiên cứu, tham khảo áp dụng trong quá trình tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS trên địa bàn.

Bộ Xây dựng cũng đưa ra khuyến nghị: GIS là một công cụ có khả năng hỗ trợ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý cơ sở dữ liệu đô thị của phục vụ chỉ đạo điều hành các cấp chính quyền. Việc ứng dụng GIS là một quá trình liên tục, theo nhiều giai đoạn và đòi hỏi tính gắn kết đồng bộ với các bước phát triển chung của địa phương. Do đó, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị và hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đô thị cần phải chú trọng đến việc kế thừa, tái sử dụng các nội dung, tài nguyên sẵn có về hạ tầng công nghệ thông tin, bản quyền phần mềm GIS, các cơ sở dữ liệu GIS mà tỉnh đã đầu tư trước đó.

An Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...