Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chống khai thác IUU: Cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin

Dự kiến, ngày 29/6 tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ họp trực tuyến với Việt Nam thông tin về kết quả khắc phục các khuyến nghị của EC trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) tại Việt Nam.

Chống khai thác IUU: Cần đẩy mạnh công nghệ thông tin - Ảnh 1.

Nhiều ấn phẩm tuyên truyền về khai thác thủy sản hợp pháp được đưa đến tay ngư dân

Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác IUU và đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện để chống khai thác IUU, gỡ "thẻ vàng".

Để kiểm tra kết quả thực hiện các khuyến nghị, phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; thực thi pháp luật.

Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã có cuộc kiểm tra thực tế các hoạt động chống khai thác IUU ở các địa phương. 

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã cung cấp thông tin về việc kiểm tra này và kế hoạch triển khai chống khai thác IUU thời gian tới.

Nhiều địa phương còn thờ ơ 

Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" hải sản. Cụ thể, mặc dù khung pháp lý tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực thi chưa đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, có địa phương thực hiện nghiêm túc, có kết quả, có địa phương vẫn chưa đạt được yêu cầu.

Ngoài ra, thực hiện việc cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định còn rất thấp (mới đạt 50,8%). Tại một số tỉnh, ti lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản thấp hơn trung bình cả nước (như: Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, TPHCM, Trà Vinh, Quảng Ninh).

Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Những trường hợp này tập trung chủ yếu tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Do đó, phía EC khẳng định nếu không ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng này, họ sẽ không gỡ cảnh báo "thẻ vàng"… cho thủy sản Việt Nam.

Từ đầu năm 2022 đến nay, tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Tiền Giang, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ngãi tiếp tục xảy ra 35 vụ/50 tàu/449 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Các địa phương cũng đã xử phạt 996 vụ vi phạm.

Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU, đặc biệt là các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận… Một số tỉnh còn hạn chế trong việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính như: Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên…

Chống khai thác IUU: Cần đẩy mạnh công nghệ thông tin - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Công nghệ giúp gỡ khó trong chống khai thác IUU

Ông Hùng cho biết dự kiến, sau quá trình gián đoạn do dịch COVID-19, tháng 9/2022, đoàn kiểm tra của EC sẽ sang kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các khuyến nghị, tập trung vào kiểm tra thực tế tại cảng cá ở các địa phương.

"Thời gian tới, để có thể khắc phục các tồn tại, nhất là  phải xóa sổ tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tiến tới gỡ "thẻ vàng, tôi cho rằng cần quyết liệt hơn, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, địa phương, đặc biệt là phải kiểm điểm và xử lý nghiêm các trường hợp còn vi phạm. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nói phải đưa cấp chính quyền địa phương vào cuộc, kể cả cấp xã. Người quan lý trực tiếp phải vào cuộc, phải tăng cường tuyên truyền vận động, có hình thức xử lý quyết liệt ngay tại thôn, xã, từng địa phương mới có thể xử lý dứt điểm", lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh.

Để khắc phục được việc này, tháng 5/2022, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án nêu rõ mục tiêu gỡ "thẻ vàng" trong giai đoạn 2022-2023.

Đề án đặt ra tổng thể các vấn đề cần giải quyết kèm phương án về nguồn lực triển khai. 

Một trong những nội dung quan trọng tại Đề án là chuyển đổi dần quản lý nghề cá theo cách truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin. Ví dụ, nhật ký khai thác bằng giấy chuyển sang nhật ký khai thác điện tử; quản lý tàu cá từ bằng giấy tờ thì chuyển sang hệ thống cơ sở dự liệu; truy xuất nguồn gốc điện tử... 

Đề án cũng nêu vấn đề sẽ xây dựng Trung tâm chỉ huy điều hành IUU, đảm bảo thông tin kết nối thông suốt giữa Trung ương và 28 tỉnh ven biển cũng như với các lực lượng liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, phối hợp kịp thời…

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, việc ngư dân thay đổi hẳn thói quen nghề nghiệp dạng "cha truyền con nối" cũng không dễ dàng vì đó là công việc họ đã làm từ rất lâu rồi. Bên cạnh đó, nhiều tình huống xử lý trên biển cũng hết sức khó khăn, ví dụ việc ghi chi tiết lịch trình do sóng lớn, do biển động. Vì vậy chúng ta cần có hình thức hữu hiệu hơn để thực hiện việc này. Đó chính là việc ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin để kiểm soát tàu cá.

Đỗ Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...