Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chip nhớ - "Tội đồ" khiến Samsung giảm 95% lợi nhuận: Từ "cục vàng" thành "cục nợ"

Từ đỉnh vinh quang đem lại khoản lãi lớn cho Samsung, mảng chip nhờ giờ đây lại trở thành gánh nặng của tập đoàn với khoản lỗ 3,4 tỷ USD.

 

Chip nhớ - 'Tội đồ' khiến Samsung giảm 95% lợi nhuận: Từ 'cục vàng' thành 'cục nợ' - Ảnh 1.

Mới đây, báo cáo kết quả kinh doanh của Samsung cho thấy mảng chip nhớ của hãng lỗ kỷ lục 4,58 nghìn tỷ Won, tương đương 3,4 tỷ USD, qua đó kéo sụt 95% mức lợi nhuận hoạt động của hãng trong quý I/2023.

Tuy nhiên điều ít ai biết rằng chính mảng chip nhớ lại là công thần, là của quý giúp Samsung từng có giai đoạn bùng nổ, qua đó khiến hãng đầu tư vô số nguồn lực vào đây. Vậy điều gì đã diễn ra khiến công thần của Samsung trở thành tội đồ?

Chip nhớ - 'Tội đồ' khiến Samsung giảm 95% lợi nhuận: Từ 'cục vàng' thành 'cục nợ' - Ảnh 2.

Cục vàng

Năm 2021 là một năm đầy thành công của Samsung khi hãng vượt qua Intel để trở thành nhà sản xuất chip bán dẫn có doanh thu cao nhất thế giới. Báo cáo của Gartner doanh thu mảng bán dẫn của hãng đã tăng 31,6% trong năm 2021, đạt 75,9 tỷ USD. Số liệu của Gartner loại trừ nhà sản xuất TSMC của Đài Loan.

Trong đó, doanh số mảng chip bán dẫn của Samsung tăng 34,2% năm 2021 nhờ đại dịch khiến người dân ở nhà và gia tăng nhu cầu dùng máy tính cũng như các thiết bị điện tử khác.

Trên thực tế, thị trường bán dẫn trên toàn cầu đã tăng trưởng đến 25,1% trong năm 2021, vượt ngưỡng 500 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử để cán mốc 583,5 tỷ USD.

Trái với Samsung, hãng Intel của Mỹ lại tụt xuống vị trí thứ 2 khi chỉ có 0,5% tăng trưởng doanh thu bán dẫn, đạt mức 73,1 tỷ USD. Doanh số của Intel cũng thuộc hàng tăng trưởng chậm nhất trong số top 25 tập đoàn chip hàng đầu thế giới giai đoạn này với nguyên nhân là cạnh tranh quá gay gắt.

Những đối thủ như AMD đã gia tăng mạnh mẽ từ thứ hạng 14 lên vị trí số 10, còn Qualcomm thì nhảy từ bậc 7 lên mức 5.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg nhận định kể cả khi nền kinh tế mở cửa trở lại hậu đại dịch thì nhu cầu chip vẫn rất lớn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn đẩy giá chip lên cao.

Thật vậy, Samsung đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 với lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2018 nhờ doanh thu lớn từ mảng chip nhớ bất chấp đà hạ nhiệt của smartphone do ảnh hưởng lạm phát. Cụ thể lợi nhuận hoạt động của Samsung trong quý II/2022 đạt 14 nghìn tỷ Won (10,7 tỷ USD), tăng 11% so với cùng kỳ năm trước còn doanh thu cũng tăng 21% lên 77 nghìn tỷ Won.

Chip nhớ - 'Tội đồ' khiến Samsung giảm 95% lợi nhuận: Từ 'cục vàng' thành 'cục nợ' - Ảnh 3.

Theo Bloomberg, lợi nhuận của Samsung được đảm bảo khi các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Microsoft, Meta (Facebook) hay Alphabet (Google) tiếp tục mua chip nhớ của hãng để dùng cho các trung tâm dữ liệu khổng lồ nhằm đáp ứng nhu cầu dùng điện toán đám mây tăng cao của khách hàng.

Thêm vào đó, nhu cầu chuyển đổi sang công nghệ không dây 5G càng kích thích nhu cầu sử dụng chip từ những nhà sản xuất lớn như Samsung.

Thấy được thành công từ mảng “của quý” này nên Samsung đã dồn nguồn lực mở rộng mảng chip với các dự án sản xuất chip theo yêu cầu thiết kế của khách hàng như Nividia Corp. Theo các chuyên gia, dù nổi tiếng với mảng điện thoại di động nhưng chất bán dẫn và chip nhớ lại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lợi nhuận của Samsung giai đoạn này.

Tuy nhiên niềm vui của Samsung chẳng kéo dài được lâu.

Của nợ

Trên thực tế từ năm 2022, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về khả năng thừa mứa chip do nhiều khách hàng đã đẩy mạnh dự trữ sản phẩm này trong đại dịch nhằm đón đầu nhu cầu được dự đoán tăng mạnh trở lại khi các nền kinh tế mở cửa.

“Các nhà sản xuất chip nhớ dự kiến sẽ tăng lượng hàng tồn kho và tăng hàng bán khi giá phục hồi và nhu cầu tăng trở lại vào năm tới”, nhà phân tích Park Sung Soon của Cape Investment & Securities, dự báo.

Đồng quan điểm, giám đốc điều hành Sanjay Mehrota của Micron Technology, một trong những đối thủ chính của Samsung ở mảng chip nhớ, cũng cho biết sự biến động mạnh giữa tình trạng khan hiếm hàng và tình trạng dư thừa đang được điều chỉnh. Bởi vậy Micron khá thận trọng khi dự báo triển vọng của thị trường cũng như hạn chế mở rộng đầu tư như Samsung.

Trong khi đó, Advanced Micro Devices cũng dự báo nhu cầu chip sẽ hạ nhiệt do lạm phát khiến người tiêu dùng siết chặt hầu bao thay vì rủng rỉnh tiền từ trợ cấp như trước.

Chip nhớ - 'Tội đồ' khiến Samsung giảm 95% lợi nhuận: Từ 'cục vàng' thành 'cục nợ' - Ảnh 4.

Đúng như những gì dự đoán, lợi nhuận mảng chip nhớ của Samsung bắt đầu lao đốc từ nửa cuối năm 2022 và thậm chí thua lỗ lần đầu tiên trong lịch sử vào quý I/2023 như đã đề cập ở trên. Sự xoay chuyển bất ngờ của thị trường khi Samsung đầu tư mạnh vào mảng chip để rồi nhận ra người dân giảm chi tiêu đã khiến hãng lâm vào thế khó.

Mặc dù tuyên bố sẽ điều chỉnh cắt giảm sản lượng chip bán dẫn nhưng Samsung không thể từ bỏ kế hoạch tham vọng của mình khi đã đồng ý hợp tác cả với chính phủ Hàn Quốc lẫn Mỹ khi xây dựng các tổ hợp sản xuất chip lớn nhất thế giới.

Cuộc chạy đua công nghệ Mỹ-Trung đã khiến cả chính quyền Washington lẫn Seoul thúc đẩy đầu tư mạnh cho mảng chip bán dẫn, nhưng việc tìm đâu cho đủ nguồn cung thì vẫn là một câu hỏi.

“Hiện nay nhu cầu thị trường cho mảng chip nhớ đang ở gần như bằng 0", chuyên gia phân tích Lee Seung Woo của công ty đầu tư chứng khoán Eugene nói với Bloomberg.

*Nguồn: Bloomberg, CNBC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...