Biến căng: Giới viễn thông châu Âu chỉ thẳng mặt BigTech, tuyên bố ‘Không có chúng tôi thì chẳng có Apple, Google, Meta đâu nhé!’
Apple, Google, Meta, Microsoft, Amazon hay Netflix chiếm một nửa lưu lượng Internet trên toàn cầu đang khiến ngành viễn thông nóng mắt.
Theo các ông chủ ngành viễn thông Châu Âu, những tập đoàn như Apple, Google, Meta, Microsoft, Amazon hay Netflix đã chiếm một nửa lưu lượng Internet trên toàn cầu và cho rằng những BigTech này đang kiếm hàng chục tỷ USD lợi nhuận trên cơ sở hạ tầng hiện đại của Châu Âu.
Bởi vậy, những doanh nhân ngành viễn thông cho rằng các BigTech cũng cần phải gánh trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ 5G hay mạng cáp quang tại Châu Âu, qua đó đảm bảo sự công bằng chứ không thể đổ dồn lên đầu doanh nghiệp viễn thông được.
“Nếu không có ngành viễn thông chúng tôi thì chẳng có Google hay Netflix gì đâu nhé. Bởi vậy chúng tôi đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi là cánh cửa để khách hàng tiếp cận được thế giới công nghệ cũng như các BigTech đấy”, giám đốc công nghệ Michael Trabbia của tập đoàn Orange-Pháp bức xúc.
Phát biểu của ông Trabbia được đưa ra trong buổi hội thảo tháng 2/2023 được tổ chức bởi Hội đồng Châu Âu (EC) nhằm nghiên cứu có nên áp thuế Internet với các BigTech hay không nhằm san sẻ gánh nặng ngân sách đầu tư công.
Chỉ trích kịch liệt
Trong cuộc hội thảo tại Barcelona, hãng tin CNBC cho biết vô số chủ doanh nghiệp viễn thông đã chỉ trích kịch liệt ngành công nghệ khi họ kiếm tiền nhưng để gánh nặng trách nhiệm cho người khác.
Cụ thể, những doanh nhân này than vãn về hàng tỷ USD đầu tư cho dây cáp, ăng ten, cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu Internet mà chẳng nhận được một xu nào từ các Big Tech.
Cũng trong cuộc thảo luận này, CEO Tim Hoettges của tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom đã trình chiếu một biểu đồ so sánh tổng vốn hóa thị trường để chỉ ra rằng những BigTech của Mỹ đang thống trị cuộc chơi như thế nào nhưng lại chẳng chi một xu cho cơ sở hạ tầng Châu Âu.
“Ít nhất thì họ cũng nên san sẻ một chút, đóng góp cho những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng mà chúng ta đang làm ở Châu Âu chứ”. Ông Hoettges than thở.
Đồng quan điểm, giám đốc kỹ thuật Howard Watson của BT cho biết việc thu phí các hãng công nghệ là đúng đắn.
“Một mô hình kinh doanh bất bình đẳng liệu có thể tiếp tục tồn tại, khi khách hàng trả phí cho các hãng công nghệ rồi đến nhà sản xuất nội dung cũng bị cắt phí bởi những BigTech này?”, ông Watson nói khi nhắc đến việc chợ ứng dụng của Google và Apple thu phí hoa hồng với những nhà phát triển.
Đáp trả, đồng CEO Greg Peters của Netflix nhận định việc áp thuế Internet sẽ gây tác động ngược với người tiêu dùng bởi hãng đã phải chi trả quá nhiều cho đội ngũ sản xuất nội dung. Nếu phải tốn thêm chi phí thì hoặc là Netflix sẽ phải cắt giảm chất lượng tác phẩm, hoặc phải chuyển mức chi phí này cho người dùng thanh toán thông qua nâng giá phí.
Một số lãnh đạo công nghệ thì cho rằng các hãng viễn thông đã được người dùng trả tiền cước và nếu đòi hỏi BigTech thanh toán thêm thì họ sẽ nhận được 2 lần thanh toán. Nhiều người khác thì nhận định động thái này sẽ giới hạn sự tiếp cận của người dùng đến Internet.
Giám đốc Matt Brittin của EMEA-Google thì nhận định việc đóng thuế Internet này sẽ khiến những hãng công nghệ trả nhiều tiền hơn được ưu ái sử dụng nhiều cơ sở hạ tầng dịch vụ hơn, qua đó tạo sự phân biệt trên thị trường.
Không chịu thua, CEO Sigve Brekke của Telenor nói: “Câu chuyện ở đây chẳng liên quan gì đến phân biệt thị trường hay giới hạn tiếp cận Internet gì cả. Chúng tôi chỉ muốn công bằng và giảm gánh nặng về chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khi người hưởng lợi nhất từ nó lại trả ít nhất.”
Dai dẳng
Trên thực tế, các hãng viễn thông trong hơn 10 năm nay đã than phiền về mảng công nghệ, ví dụ như WhatsApp hay Skype thu lợi nhờ nền tảng cơ sở hạ tầng của họ mà chẳng chịu chi trả đúng mực.
Tuy nhiên hội thảo năm nay đã có sự tham gia của quan chức EU, ông Thierry Breton, trưởng bộ phận thị trường nội địa của EC. Chính ông Breton cũng đã cho biết cần tìm ra một giải pháp tài chính hợp lý để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ ở Châu Âu nhằm bắt kịp các xu hướng mới, ví dụ như vũ trụ ảo.
Hội thảo trên diễn ra trong bối cảnh các nước đều chạy đua phát triển hạ tầng công nghệ, ví dụ Mỹ đã chi tới cả nghìn tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng hướng tới những kỹ thuật tiên tiến nhất nhằm đọ sức với Trung Quốc.
Theo ông Breton, các doanh nghiệp không nên chỉ trích lẫn nhau hay lựa chọn theo phe viễn thông hoặc BigTech mà cần có tầm nhìn rộng lớn hơn cho cả thị trường. Việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ đem lại lợi ích chung cho toàn bộ doanh nghiệp, bất kể là viễn thông hay công nghệ.
Dẫu vậy, chuyên gia phân tích Paolo Pescatore của PP Foresight nhận định thách thức lớn nhất của Châu Âu hiện nay là chính sách. Việc thiếu hợp tác xuyên biên giới giữa các thành viên cũng như doanh thu suy giảm của ngành viễn thông khiến câu chuyện trở nên cực kỳ phức tạp.
*Nguồn: CNBC