VCCI: Giảm tỷ lệ sở hữu ngân hàng thời điểm này là không phù hợp
Theo VCCI, tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu tối đa có thể không phù hợp vào thời điểm này.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có một số ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó đề xuất không nên hạ giới hạn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, tổ chức và nhóm cổ đông tại ngân hàng.
Cụ thể, Điều 54 của Dự thảo đề xuất giảm sở hữu tối đa của cá nhân từ 5% xuống 3%, của tổ chức từ 15% xuống 10% và của nhóm cổ đông liên quan từ 20% xuống 15%. VCCI cho rằng sự thay đổi này, cùng với việc mở rộng khái niệm người có liên quan, nhằm chống tình trạng sở hữu chéo, tăng sự minh bạch và an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Hình minh họa |
Tuy nhiên, theo VCCI, tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp giảm tỷ lệ sở hữu tối đa có thể không phù hợp vào thời điểm này. Theo cơ quan này, tỷ lệ sở hữu tối đa tại Việt Nam đã thuộc nhóm tương đối thấp, nhưng tình trạng cấp tín dụng tập trung vẫn còn tồn tại. Do đó, giới hạn tỷ lệ sở hữu không thực sự phát huy tác dụng.
"Dường như quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa đã không thực sự phát huy tác dụng, các cổ đông dù không rơi vào trường hợp người có liên quan theo định nghĩa của luật, vẫn có liên kết chặt chẽ với nhau để đồng thuận cấp tín dụng rất tập trung", VCCI nhận xét.
VCCI nhận định rằng bản thân tỷ lệ sở hữu cao không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng mà gián tiếp gây xung đột lợi ích, khiến xảy ra tình trạng cấp tín dụng tập trung.
VCCI cũng cho rằng tỷ lệ sở hữu tối đa quá thấp ảnh hưởng đến việc quản trị ngân hàng. Khi sở hữu tỷ lệ vốn quá thấp, các cổ đông sẽ không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh ngân hàng. Ngoài tiền bạc, các cổ động lớn còn mang công nghệ, quy trình quản trị giúp ngân hàng hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, việc thay đổi pháp luật theo Dự thảo sẽ yêu cầu các cổ đông có phương án và lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu, không đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền tài sản theo Hiến pháp.
Nguồn Kiến thức Đầu tư