Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sếp ACB nói gì về cuộc gọi lúc giữa đêm của những người "không làm gì" vẫn mất tiền

Theo ông Từ Tiến Phát – Tổng giám đốc ACB, nhân viên ngân hàng sợ nhất các cuộc gọi vào giữa đêm hoặc sáng sớm, vì đa số những cuộc gọi khẩn cấp đều liên quan đến mất tiền trong tài khoản. Những khách hàng này đều nói không làm gì nhưng vẫn mất tiền.

Tại phiên thảo luận chủ đề "Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân" hôm 14/6 trong khuôn khổ chương trình Ngày không tiền mặt, sếp ACB Từ Tiến Phát cùng các chuyên gia chia sẻ câu chuyện cùng các giải pháp giúp nâng cao bảo mật trong giao dịch điện tử.

"Chúng tôi làm trong lĩnh vực ngân hàng, điều nhân viên sợ nhất là các cuộc gọi vào lúc nửa đêm, đầu giờ sáng. Khoảng 5-6 giờ sáng hoặc 12 giờ, 1 giờ đêm gọi lên tổng đài là chúng tôi sợ lắm, vì đa số các cuộc gọi sẽ liên quan đến tình huống mất tiền trong tài khoản", ông Phát nói.

Theo sếp ACB, những khách hàng này đều nói rằng "không làm gì nhưng bị mất tiền". Tuy nhiên, đến khi ngân hàng cùng khách kiểm tra điện thoại, gần như 100% đều cài ứng dụng giả mạo cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác, dẫn đến việc mất tiền. Đây đều là những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng lừa đảo.

Sếp ACB nói gì về cuộc gọi lúc giữa đêm của những người

Ông Từ Tiến Phát – Tổng giám đốc ACB. Ảnh: Quang Định

Do đó, ông cho rằng, Quyết định 2345 về việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp hệ thống bảo mật được nâng cao.

Tại ACB, sau 3 ngày triển khai, đã có 30.000 khách hàng ACB xác thực. Ngay cả với khách hàng lớn tuổi không thành thạo công nghệ, cũng có thể chi nhánh ACB để được hỗ trợ.

Ông kể: "Tôi là khách hàng đầu tiên. Ngay khi triển khai, chúng tôi rất lo hệ thống này không đảm bảo và không mượt mà. Thực tế, tôi chỉ mất chưa đến 30 giây đã xác thực được. Đây là giải pháp rất triệt để, giải quyết được các rủi ro trong thời gian qua. Tôi nghĩ từ ngày 1-7 mọi thứ tốt hơn nhiều". 

Tại phiên thảo luận, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cũng chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện giải pháp bảo mật sinh trắc học đang được một số quốc gia ứng dụng.

"Tại Việt Nam vẫn còn nói nhiều về OTP, trong khi các nước phát triển như Singapore và Malaysia đã chuyển sang hình thức thanh toán bảo mật khác dựa trên công nghệ này để giúp bảo mật thanh toán tăng lên nhiều lần", bà nói.

Đóng góp ý kiến, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước thông tin, để đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật trong hoạt động thanh toán không tiền mặt, ngân hàng đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị trong ngân hàng triển khai các ứng dụng công nghệ mới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...