Sau thay tên, nhóm nợ xấu của LPBank có biến động ra sao trong quý III/2024?
Tại ngày 30/9/2024, tỉ lệ nợ xấu theo tình trạng nợ của khách hàng tại LPBank là 1,96% trong khi đó, cuối năm 2023 con số này là 1,34%.
Báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2024, Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB) ghi nhận, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của LPBank đạt 8.452 tỉ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.899 tỉ đồng, tăng mạnh 133% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 2.331 tỉ đồng, tăng 135%.
Tổng thu nhập lãi thuần quý này đạt 3.778 tỷ đồng, tăng 43%, do chi phí lãi và các chi phí tương tự giảm từ 5.447 tỷ đồng xuống 4.673 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi thuần từ dịch vụ đạt 1.016 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước, do ngân hàng đa dạng hoá nguồn thu, thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ như kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu, chuyển tiền.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng trong quý III là 3.531 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro 632 tỷ đồng, tăng 19%.
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, thu nhập lãi thuần đạt 10.887 tỉ đồng, tăng 38,5%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 2.701 tỉ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 291 tỉ đồng, trong đó, thu từ công cụ tài chính và phái sinh tiền tệ đạt 1.116 tỉ đồng, thu từ ngoại tệ giao ngay là 365 tỉ đồng, trong khi các khoản chi ở mức 1.190 tỉ đồng.
Ngoài ra, các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm trước, lần lượt ở mức 4.160 tỉ đồng và 1.401 tỉ đồng.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của LPBank đạt gần 456.000 tỉ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 314.911 tỉ đồng, tăng 15,7% so với cuối năm 2023. LPBank trích lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng 4.860 tỉ đồng, tăng 40,5% so với cuối năm 2023.
Tiền và các khoản tương đương tiền đạt 72.905 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2023. LPBank có 54.270 tỉ đồng chứng khoán đầu tư, tăng 15,8% so với cuối năm 2023; tài sản cố định ở mức 2.504 tỉ đồng, tài sản khác 10.009 tỉ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2023.
Tính đến cuối quý III//2024, nợ phải trả của LPBank ở mức 415.136 tỉ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của khách hàng chiếm 65% với 271.302 tỉ đồng. Phần lớn trong tiền gửi khách hàng là tiền, vàng gửi có kỳ hạn với 249.349 tỉ đồng.
Tiền gửi và vay của các TCTD khác 84.882 tỉ đồng, tăng 69,3% so với cuối năm 2023. LPBank có các khoản nợ chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu phát hành ở mức 47.322 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm 2023. Trong đó, nợ trái phiếu ở mức 23.644 tỉ đồng.
Các khoản nợ khác ở mức 9.650 tỉ đồng, phần lớn trong đó là các khoản lãi, phí lãi phải trả, ở mức 7.3484 tỉ đồng và các khoản phải trả và công nợ khác 2.265 tỉ đồng.
Tính đến 30/9/2024, vốn chủ sở hữu của LPBank chỉ ở mức 40.669 tỉ đồng. Trong khi nợ phải trả lên đến 415.136 tỉ đồng, gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Tỉ lệ nợ xấu theo tình trạng nợ của khách hàng tại LPBank tính đến ngày 30/9 là 1,96% (cuối năm 2023 là 1,34%).
Tại thời điểm ngày 30/9/2024, tổng nợ xấu của LPBank ở mức 6.272 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ. Về cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt mức hơn 1.380 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 27,4% lên 2.174 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đạt 2.717 tỷ đồng, tăng 132,4% so với thời điểm cuối năm 2023.
LPBank đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam
Ngày 15/7, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định số 423 về việc sửa đổi tên ngân hàng Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam.
Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) chính thức đổi tên thương mại là Ngân hàng thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam.
Tên tiếng Anh của ngân hàng này là Fortune Vietnam Joint Stock Commercial Bank với tên viết tắt bằng tiếng Anh là LPBank. Mã chứng khoán niêm yết là LPB, vẫn được giữ nguyên.