Ngành ngân hàng quý III: Tín dụng bùng nổ, lợi nhuận vẫn phân hóa
Ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý III/2024 với tổng lợi nhuận đạt 70.169 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đằng sau con số này là những thay đổi trong cơ cấu lợi nhuận và thách thức từ thị trường tài chính.
Ngành ngân hàng Việt Nam trong quý III/2024 đã tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng từ nửa đầu năm, đạt tổng lợi nhuận trước thuế của 29 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên sàn UPCOM (bao gồm BaoVietBank và PVCombank) là 70.169 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như lãi suất, tỷ giá và thị trường bất động sản có nhiều biến động, dẫn đến những thay đổi trong cơ cấu lợi nhuận.
Ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý III/2024 |
Tăng trưởng lợi nhuận từ tín dụng
Hoạt động tín dụng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng. Theo dữ liệu từ WiChart và báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần quý III/2024 của 29 ngân hàng đạt 126.893 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này đã hỗ trợ đáng kể cho tổng thu nhập hoạt động (TOI), tăng thêm khoảng 20.200 tỷ đồng so với quý III/2023.
Tại nhiều ngân hàng, việc giảm lãi suất huy động nhanh hơn tốc độ giảm chi phí lãi đã giúp cải thiện thu nhập lãi thuần. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng TMCP nhỏ đã giảm từ 5,85%-7,61%/năm (quý III/2023) xuống còn 4,85%-5,2%/năm (quý III/2024). Tương tự, nhóm ngân hàng lớn và quốc doanh cũng ghi nhận lãi suất huy động giảm mạnh, góp phần ổn định biên lãi thuần (NIM) và tăng thu nhập lãi.
Đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng đã tăng 9% so với đầu năm và 16% so với cùng kỳ 2023, vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm của Chính phủ là 14-15%. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng tăng cường hoạt động cho vay, hỗ trợ tăng trưởng thu nhập lãi.
Tuy nhiên, áp lực bắt đầu xuất hiện khi lãi suất huy động có xu hướng nhích tăng từ cuối quý I đến đầu quý II/2024, trong khi lãi suất cho vay không tăng đồng thời do định hướng hỗ trợ kinh tế của Ngân hàng Nhà nước. Điều này làm ảnh hưởng đến biên lãi thuần (NIM), khiến thu nhập lãi thuần quý III/2024 giảm 2,3% so với quý trước.
Điểm sáng từ thu nhập ngoài lãi và sự suy giảm ở mảng dịch vụ, ngoại hối
Trong quý III, lãi thuần từ hoạt động khác (bao gồm các khoản nợ đã xử lý rủi ro) đã tăng 129%, đạt 10.417 tỷ đồng, đóng góp 6,6% vào tổng thu nhập hoạt động (TOI) của các ngân hàng, so với 3,3% cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng như VietinBank, BIDV và VPBank chiếm tới 67% lãi thuần từ hoạt động này, trong đó VietinBank dẫn đầu với lãi thuần 3.963 tỷ đồng.
Dù có sự tăng trưởng từ hoạt động tín dụng và thu nhập khác, lợi nhuận từ các mảng dịch vụ và ngoại hối lại giảm. Lãi thuần từ dịch vụ đạt 14.384 tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ, chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường bảo hiểm và khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong 9 tháng đầu năm giảm 6,5% so với cùng kỳ, đánh dấu 6 quý liên tiếp sụt giảm kể từ khi xảy ra khủng hoảng niềm tin. Các quy định mới cũng buộc nhiều ngân hàng phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh bảo hiểm qua kênh bancassurance. Ví dụ, Techcombank đã chấm dứt hợp đồng độc quyền với Manulife, còn ACB cho biết mảng bảo hiểm vẫn đang gặp khó và có thể phải thay đổi mô hình kinh doanh.
Lãi thuần từ ngoại hối cũng giảm hơn 40% (khoảng 3.000 tỷ đồng), còn 4.542 tỷ đồng, do tỷ giá hạ nhiệt và chênh lệch giá mua vào - bán ra tại các ngân hàng thu hẹp. Hoạt động mua bán chứng khoán cũng không mang lại kết quả tích cực như quý III/2023, khi lãi từ chứng khoán kinh doanh tăng 40% nhưng chứng khoán đầu tư lỗ 275 tỷ đồng.
Nguyễn Thanh