Saigonbank dòng tiền kinh doanh âm 1.500 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn tăng 2 lần
Theo báo cáo tài chình (BCTC) hợp nhất quý 3/2022 vừa công bố, Saigonbank báo lãi sau thuế giảm gần 8% chỉ còn đạt mức hơn 48 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh âm 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh so với đầu năm.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCOM: SGB), tăng 47,6% so với cùng kỳ, thu về hơn 214 tỷ đồng. Trong đó lãi từ dịch vụ tăng đến 90%, nhưng chỉ mang về 9 tỷ đồng, đa phần nhờ vào tăng thu khác về dịch vụ.
Mặt khác, nguồn thu khác ngoài lãi chính như hoạt động kinh doanh ngoại hối lại giảm 57% chỉ thu về còn hơn 6 tỷ đồng, do giảm thu từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ; Nguồn lãi từ hoạt động khác cũng giảm 52% còn 7,1 tỷ đồng so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của Saigonbank không đồng nhất và phụ thuộc lớn vào tín dụng.
Đáng nói là so với quý trước, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đột ngột giảm xuống từ 180 tỷ đồng đến quý 3 này chỉ còn 81 tỷ đồng giảm 55%, dù so với cùng kỳ năm trước có tăng 18%. Bên cạnh đó, quý này Saigonbank tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đến 20,8 tỷ đồng.
Chưa kể đến là dòng tiền lưu chuyển thuần trong năm của Saigonbank hiện đang âm 1.520 tỷ đồng. Cụ thể là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm đến 1.507 tỷ đồng cộng với dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm thêm gần 13,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Saigonbank chỉ tăng nhẹ 3% so với đầu năm, ở mức 25.308 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 12% còn 465 tỷ đồng, tiền gửi tại các TCTD khác cũng giảm xuống 28% còn 3.651 tỷ đồng, dù vậy cho vay khác hàng tăng 11% lên 18.338 tỷ đồng,…
Đối với nguồn vốn từ tiền gửi khách hàng chỉ tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên mức gần 18.339 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng của Saigonbank tăng 20% so với đầu năm lên hơn 391 tỷ đồng đến hết quý 3/2022. Trong đó nợ nhóm 3 – Nợ dưới tiêu chuẩn dù giảm xuống 74% chỉ còn 10,1 tỷ đồng nhưng nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ lại tăng 19,2% lên mức 127 tỷ đồng, đáng chú ý nhất là nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn tăng lên gần gấp đôi lên mức hơn 253 tỷ đồng.
Ngoài khoản nợ xấu nội bảng trên hơn 391 tỷ đồng, Saigonbank hiện còn đang sở hữu khoản nợ tới 624 tỷ đồng tại VAMC.
Về lãi xuất, sau nhiều tháng giữ lãi xuất ổn định, ngân hàng Saigonbank đã có động thái điều chỉnh tăng đối với tất cả các kỳ hạn trong tháng 10 này.
Hiện tại, khác hàng cá nhân gửi tiền trong kỳ hạn 1 – 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, sẽ nhận lãi suất trong khoảng 4,7 – 7,3 %/năm, tăng 1 - 1,5 điểm % tại tất cả các kỳ hạn so với ghi nhận vào tháng trước. Chi tiết hơn, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng có mức lãi suất tiết kiệm tương ứng là 4,7%/năm và 4,8%/năm sau khi tăng 1,5 điểm %.
Lãi suất của các khoản tiền gửi trong kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng lần lượt tăng 1,4 điểm %, 1,2 điểm % và 1,2 điểm %, lên cùng mức 5%/năm. Các kỳ hạn còn lại đều được Saigonbank điều chỉnh tăng 1 điểm % lãi suất so với tháng 9. Theo đó: kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất là 6,1%/năm; kỳ hạn 7 - 11 tháng là 6,2%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 6,9%/năm; và kỳ hạn 13 - 36 tháng là 7,3%/năm.
Trong khi đó, lãi suất ngân hàng Saigonbank dành cho các khoản tiền gửi trong 1 tuần và 2 tuần tiếp tục ổn định ở mức 0,2%/năm trong tháng này. Lưu ý, hai kỳ hạn ngắn này chỉ được triển khai với phương thức lĩnh lãi cuối kỳ.