Room tín dụng 457.000 tỷ còn lại sẽ được phân bổ thế nào?
Trong những tháng cuối cùng của năm 2022, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.450 tỷ đồng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.450 tỷ đồng.
Đại diện NHNN từng nhiều lần cho biết sẽ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay và việc cấp ''room'' sẽ dựa trên chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của từng ngân hàng. Trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng mới đây, NHNN cho biết đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên hai cơ sở chính.
Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Cụ thể, Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các TCTD theo 6 tiêu chí, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.
''Các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB,.. sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác '', Chứng khoán Vietcombank nhận định.
Được biết, hiện có 4 ngân hàng đã công bố phương án hoặc có ý định nhận chuyển chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém là Vietcombank, MB, HDBank và VPBank.
Trong đó, MB và Vietcombank ngay từ đầu năm đã lên kế hoạch tiếp nhận nhận bắt buộc một tổ chức tín dụng và đã được đại hội cổ đông thông qua. Trong khi lãnh đạo VPBank cũng từng cho biết ngân hàng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Mới nhất, HDBank đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.
Theo đánh giá của SSI Research, NHNN sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý, kỳ vọng có thể diễn ra vào cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. ''NHNN vẫn đang phát tín hiệu khá thận trọng trong hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay và việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao'', SSI Research cho hay.
Về phía các ngân hàng, chia sẻ với nhà đầu tư mới đây, Phó Tổng Giám đốc VPBank Lưu Thị Thảo cho biết, ''room'' tín dụng hiện không chỉ là vấn đề của VPBank mà cũng là "nỗi đau đầu" của rất nhiều ngân hàng trong hệ thống. VPBank kỳ vọng quyết định của NHNN về việc phân bổ ''room'' tín dụng cho các NHTM sẽ sớm được thông qua và công bố.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, đến hết tháng 6/2022, ngân hàng này đã sử dụng 99% hạn mức tín dụng được NHNN thông báo từ đầu năm. Vào giai đoạn cuối năm, ABBank kỳ vọng sẽ có sự mở rộng ''room'' tín dụng, cụ thể là quý III, sau khi đã gửi công văn lên NHNN.