Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những nhà băng hút tiền gửi của người dân nhiều nhất

15 ngân hàng niêm yết lớn nhất huy động tổng cộng 6,609 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng trong năm 2021. Riêng lượng tiền gửi tại 3 ngân hàng gốc quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV đã lên tới 3,657 triệu tỷ đồng.

Mặc dù lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm trong cả năm 2021 nhưng hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lượng tiền gửi tăng so với năm trước.

Cùng với đó, lượng tiền cho vay tại các ngân hàng cũng tăng mạnh. Thu nhập lãi cho vay khách hàng tại hầu hết các ngân hàng đều tăng, trong khi chi phí trả lãi huy động giảm đáng kể nhờ lãi suất huy động giảm.

Theo báo cáo tài chính năm 2021 của 15 ngân hàng niêm yết lớn nhất trên thị trường, ngoại trừ SeABank ghi nhận lượng tiền gửi của khách hàng giảm (bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ký quỹ), các ngân hàng còn lại đều có mức tăng trung bình trên 10%.

HDBank và LienVietPostBank là hai ngân hàng ghi nhận mức tăng trong khoản chi trả lãi tiền gửi khách hàng, lần lượt 10% và 9,7%. Trong khi Sacombank là ngân hàng duy nhất có mức suy giảm về thu nhập lãi cho vay khách hàng (11%).

Nhóm ngân hàng quốc doanh chiếm thị phần huy động áp đảo

Theo thống kê, 3 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank đang áp đảo về thị phần huy động.

Trong đó dẫn đầu là BIDV với 1,361 triệu tỷ đồng huy động từ khách hàng trong năm 2021, tăng 12,87% so với cùng kỳ. BIDV cũng dẫn đầu thị trường về cho vay khách hàng (chỉ bao gồm cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước) với 1,291 triệu tỷ đồng, tăng 11,30% so với cùng kỳ.

Với mức cho vay và huy động như trên, thu nhập từ lãi cho vay khách hàng của BIDV đạt 87.535 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Nhờ lãi suất huy động giảm nên nhà băng này chỉ phải chi 46.936 tỷ đồng để trả lãi cho khách hàng, giảm 15% so với năm 2020.

Đứng thứ hai về con số huy động là VietinBank với xấp xỉ 1,160 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 17% so với năm 2020. Mức tăng trưởng tín dụng tại nhà băng này là 11% với 1,120 triệu tỷ đồng cho vay, thu về 87.535 tỷ đồng từ lãi cho vay (tăng 3%), trong khi chi phí trả lãi huy động lại giảm 15%, đạt 46.935 tỷ đồng.

Dù là “anh cả” về lợi nhuận nhưng Vietcombank xếp thứ ba về mức huy động tiền trong dân, đạt 1,136 triệu tỷ đồng (tăng 10%), trong khi cho vay khách hàng cũng xếp thứ ba với 948 nghìn tỷ đồng (tăng 14%).

Năm 2021 Vietcombank thu về 59 nghìn tỷ đồng từ thu nhập lãi cho vay khách hàng (tăng 5%), trong khi chỉ phải chi 26.620 tỷ đồng để trả lãi huy động, giảm 15% so với năm 2020.

Theo thống kê của Infonet, 15 ngân hàng được nhắc đến trong bài viết này huy động tổng cộng 6,609 triệu tỷ đồng tiền gửi của khách hàng trong năm 2021. Tuy nhiên thị phần huy động tập trung phần lớn ở các ngân hàng dẫn đầu. Lượng tiền gửi tại 3 ngân hàng gốc quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV đã lên tới 3,657 triệu tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng tư nhân phân hóa rõ

Sacombank là ngân hàng đứng thứ tư trong số các ngân hàng niêm yết về lượng tiền huy động từ các tổ chức kinh tế và cá nhân. Tuy nhiên, nếu so với khối ngân hàng tư nhân, Sacombank đang dẫn đầu với xấp xỉ 422 nghìn tỷ đồng huy động trong năm qua, tăng nhẹ 0,01% so với năm trước đó.

Nhà băng này cũng đứng thứ tư toàn ngành về cho vay khách hàng của năm qua, đạt 379 nghìn tỷ đồng, tăng 14,32%. Tuy nhiên, do chi phí lãi không giảm nên thu nhập lãi của Sacombank giảm 11% so với năm 2020, đạt 26.293 tỷ đồng. Điểm tích cực là chi phí trả lãi huy động của ngân hàng giảm mạnh 21%, còn 16.224 tỷ đồng.

Những nhà băng hút tiền gửi của người dân nhiều nhất  - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Đứng thứ năm trong Top 15, lượng tiền huy động trong năm 2021 của MB lên tới 389 nghìn tỷ đồng, tăng 23,67%. Lượng tiền cho vay cũng tăng tương ứng với hơn 341 nghìn tỷ đồng. Mức thu nhập lãi từ cho vay của MB tăng tới 17%, đạt 24.538 tỷ đồng, trong khi mức chi để trả lãi huy động giảm hơn 6%, còn 9.200 tỷ đồng.

Bám sát MB về lượng vốn huy động là ACB với hơn 380 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%. Lượng vốn cho vay ra của ACB trong năm vừa qua là 350 nghìn tỷ đồng, tăng 15%. Thu nhập lãi cho vay và chi phí trả lãi huy động của ACB lần lượt là 29.500 tỷ đồng (tăng 7%) và 13.000 tỷ đồng (giảm 16%).

Đứng thứ bảy toàn ngành về con số huy động là ngân hàng SHB với 324.408 tỷ đồng, tăng 7,65%. Đáng chú ý, lượng cho vay ra của ngân hàng này lại lớn hơn con số huy động, đạt 342.376 tỷ đồng, tăng 18% (ngân hàng đã trích 4,4 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng).

SHB là một trong số những ngân hàng dẫn đầu về thu nhập lãi cho vay khách hàng, đạt 30.600 tỷ đồng, tăng 11%, trong khi chi phí trả lãi huy động của nhà băng này trong năm qua giảm 7%, còn 18.800 tỷ đồng.

Khá bất ngờ khi Techcombank dù được biết đến là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA nhưng lại “lạc trôi” xuống vị trí thứ tám về con số huy động vốn, đạt xấp xỉ 316 nghìn tỷ đồng, tăng 13%. Cho vay khách hàng của ngân hàng này tăng mạnh 19,7% với 325 nghìn tỷ đồng, đem lại cho Techcombank 26.340 tỷ đồng thu nhập lãi cho vay (tăng 23%), trong khi chi phí lãi huy động giảm mạnh 23% còn 6.261 tỷ đồng.

VPBank đứng thứ chín toàn ngành về lượng huy động vốn với hơn 239 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2020. Trong khi đó nhà băng này dẫn đầu toàn ngành về mức tăng trưởng tín dụng (27,90%) với gần 266 nghìn tỷ đồng cho vay ra.

Dù vậy, thu nhập từ lãi vay của VPBank chỉ tăng 9%, đạt mức 26.270 tỷ đồng, trong khi mức chi cho việc trả lãi huy động là 9.523 tỷ đồng, giảm 26%.

Top 10 về huy động vốn còn có HDBank với mức 183 nghìn tỷ đồng huy động được trong năm 2021 (tăng 4%). Cho vay khách hàng của HDBank trong năm qua đạt 185 nghìn tỷ đồng, tăng 16%. Qua đó ngân hàng thu lại hơn 16 nghìn tỷ đồng từ lãi cho vay khách hàng, đồng thời chi hơn 9 nghìn tỷ đồng để trả lãi huy động.

Bám sát HDBank đang là LienVietPostBank với 180 nghìn tỷ đồng vốn huy động, tăng 3,29%, trong khi cho vay khách hàng là 209 nghìn tỷ đồng, tăng 18%. Thu nhập từ lãi cho vay và chi phí trả lãi huy động của LPB lần lượt là 19 nghìn tỷ đồng (tăng 21%) và 9 nghìn tỷ đồng (giảm 10%).

Ngân hàng VIB đứng thứ 12 với gần 174 nghìn tỷ đồng huy động trong năm qua, tăng 15%, trong khi cho vay khách hàng 201 nghìn tỷ đồng (tăng 19%). Thu nhập từ lãi cho vay và chi phí trả lãi huy động của VIB lần lượt là 19 nghìn tỷ đồng (tăng 23%) và 1.800 tỷ đồng (giảm 16%).

Tiếp theo đó là TPBank với 139.562 tỷ đồng vốn huy động, tăng 20%. Mức cho vay của ngân hàng này cũng tương đương, 139.462 tỷ đồng, tăng 18%. Thu nhập từ lãi cho vay và chi phí trả lãi huy động của TPBank lần lượt là 13.361 tỷ đồng (tăng 19%) và 5.000 tỷ đồng (giảm 2%).

Ở vị trí áp chót, SeABank ghi nhận 110.000 tỷ đồng huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước, giảm 3%, trong khi cho vay đạt 125 nghìn tỷ đồng. Thu nhập từ lãi cho vay và chi phí trả lãi huy động lần lượt 9.539 tỷ đồng (tăng 7%) và 5.800 tỷ đồng (giảm 10%).

Vị trí cuối cùng trong Top 15 là MSB với 94.612 tỷ đồng huy động được, tăng 8%, trong khi lượng cho vay ra là 97.291 tỷ đồng, tăng 26%. Năm 2021 MSB ghi nhận 7.500 tỷ đồng thu nhập lãi cho vay khách hàng (tăng 22%), trong khi trả lãi huy động giảm 24%, còn 3.000 tỷ đồng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...