Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những ngân hàng nào nắm giữ trái phiếu Novaland?

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng nợ vay trái phiếu của Novaland là gần 43.125 tỷ đồng. Trong đó, một lượng lớn trái phiếu được các ngân hàng trong nước nắm giữ.

 

Những ngân hàng nào nắm giữ trái phiếu Novaland? - Ảnh 1.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 sau kiểm toán được Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) công bố mới đây, tổng giá trị nợ vay của doanh nghiệp này tại thời điểm 30/6/2023 là gần 61.590 tỷ đồng, giảm 3.279 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Trong đó, vay trái phiếu tại thời điểm 30/6/2023 là gần 43.125 tỷ đồng, giảm 1.045 tỷ đồng so với hồi đầu năm và chiếm 70% tổng nợ vay của doanh nghiệp này. Cụ thể, tổng nợ trái phiếu ngắn hạn của Novaland ở mức hơn 14.132 tỷ đồng, giảm 6.508 tỷ đồng so với hồi đầu năm; nợ trái phiếu dài hạn là gần 28.993 tỷ đồng, tăng 5.463 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Trong số trái phiếu nêu trên, có một số lô được Novaland phát hành cho hai ngân hàng MB và PVcomBank.

Cụ thể, tính đến cuối quý 2, lượng trái phiếu Novaland phát hành cho MB có dư nợ còn lại là 5.575,2 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu dài hạn 4.729 tỷ và nợ trái phiếu ngắn hạn là 846,2 tỷ đồng. Số trái phiếu này đều do MBS - Công ty con của MB  - làm đạt lý phát hành.

Với PVcomBank, lượng trái phiếu do Novaland phát hành cho ngân hàng này có dư nợ còn lại tính đến cuối quý 2 là 2.000 tỷ đồng, toàn bộ là nợ trái phiếu ngắn hạn. Số trái phiếu này đều do Chứng khoán Dầu khí - Công ty con của PVcomBank - làm đại lý phát hành.

Những ngân hàng nào nắm giữ trái phiếu Novaland? - Ảnh 2.

Các lô trái phiếu ngắn hạn của Novaland. (Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán Novaland)

Ngoài số trái phiếu phát hành cho MB và PVcomBank nêu trên, còn có lượng lớn trái phiếu của Novaland được các công ty chứng khoán là công ty con của các ngân hàng đứng ra tư vấn hoặc làm đại lý phát hành, điển hình như Chứng khoán Dầu Khí của PVcomBank, MBS của MB, BSC của BIDV, CTS của VietinBank,... Tuy nhiên, Novaland không công bố thông tin về trái chủ nắm giữ các lô trái phiếu này.

Những ngân hàng nào nắm giữ trái phiếu Novaland? - Ảnh 3.

 

Bên cạnh việc huy động vốn qua trái phiếu, Novaland còn vay nợ các ngân hàng hơn 9.100 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023. Trong đó, vay ngắn hạn ngân hàng là hơn 3.941 tỷ đồng; vay dài hạn ngân hàng 5.164 tỷ đồng.

Các ngân hàng trong nước cho Novaland vay nhiều nhất là VietinBank (gần 2.645 tỷ đồng), MB (1.760 tỷ đồng), MSB (1.550 tỷ đồng), ….

Novaland cũng có dư nợ khá lớn tại các ngân hàng nước ngoài như Credit Suisse AG - Chi nhánh Singapore (1.729 tỷ đồng), Ngân hàng Maybank International (475 tỷ đồng), HSBC Việt Nam (255 tỷ đồng),…

Trong báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, đơn vị kiểm toán PwC nhấn mạnh: “Mặc dù không đưa ra kết luận loại trừ, tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh đến khoản lỗ thuần hơn 1.094 tỷ đồng trong kỳ kết toán 6 tháng đầu năm 2023 của Novaland, cũng như ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu đến tình hình hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

PwC cũng đưa ra giả định về hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào khả năng tập đoàn có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc nợ vay, trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

“Những điều kiện này, cũng những vấn đề khác được nêu ở thuyết minh 2.2 cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn”, PwC cho biết thêm.

Phản hồi ý kiến của đơn vị kiểm toán độc lập quan ngại về giả định hoạt động liên tục, Novaland cho biết: “Tập đoàn đã cập nhật và chia sẻ minh bạch các khó khăn hiện nay như tình hình kinh tế thế giới, khu vực với nhiều biến động, lãi suất tăng cao và hậu COVID-19 nền kinh tế chưa kịp hồi phục cộng với các khó khăn chậm trễ pháp lý đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh và thanh khoản của công ty.

Nhằm giải quyết khó khăn chung của thị trường, Chính Phủ và Bộ Ban Ngành các cấp đã liên tiếp thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ, ban hành các chính sách cụ thể, đặc biệt tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý, giúp các doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc nợ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính và phục hồi thị trường bất động sản. Thị trường chứng khoán và bất động sản ngay lập tức đã có những phản hồi rất tích cực đối với các biện pháp này của Chính Phủ.

Novaland cũng cho biết đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện với sự tư vấn của các công ty tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu thế giới nhằm giúp công ty cải thiện tình hình tài chính và tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...