Ngân hàng Nhà nước tăng hàng loạt lãi suất có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?
Với việc tăng lãi suất mạnh mẽ từ Ngân hàng Nhà nước (+1%), các chuyên gia tiếp tục lạc quan về việc kiểm soát lạm phát thấp của Việt Nam và duy trì kỳ vọng CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3,2%-4% và vẫn nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ.
Theo báo cáo tóm tắt dự phóng vĩ mô của Chứng khoán ACB (ACBS) mới công bố, các chuyên gia cho rằng mặc dù lo ngại rằng triển vọng tăng trưởng của Việt Nam có thể chậm lại trong những quý sắp tới của năm 2022 do nền lãi suất cao hơn, nền kinh tế Việt Nam về cơ bản đã lấy lại đà tăng trưởng khi phục hồi sau dịch COVID-19 và tiếp tục ghi nhận các yếu tố cơ bản tốt trong 8 tháng đầu năm 2022.
ACBS duy trì kỳ vọng rằng GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, trong khoảng 7,1% - 10,4% trong 6 tháng cuối năm 2022 (10,4% -14,7% trong quý III và 4,5% -6,8% trong quý IV) và 6,8% - 8,5 % trong năm 2022.
Nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể sẽ cao hơn “Kịch bản kém lạc quan” của CTCK ACB (ACBS) nhưng có thể không cao bằng “Kịch bản lạc quan” do việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất bất ngờ và quyết liệt.
Nguồn: ACBS |
Tuy nhiên, ACBS duy trì quan điểm tích cực rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III/2022 sẽ đạt mức tăng trưởng trên 10%, được hỗ trợ bởi:
- Tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi và tăng trường (với IIP tăng 15,6% n/n trong T8/22 và 9,4% trong 8T22), qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu;
- Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược không ca COVID-19 của Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy phục hồi các hoạt động sản xuất công nghiệp.
- Sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành dịch vụ sau khi được phép mở cửa lại các loại hình kinh doanh dịch vụ.
Ngoài ra, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính khoảng 337 nghìn tỷ đồng (291 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tài khóa và 46 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tiền tệ), để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 sẽ được giải ngân bắt đầu từ quý II/2022. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đến ngày 2/9, giải ngân gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính đạt 55,5 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng gói.
Cùng với hơn 244 nghìn tỷ đồng (trong tổng số 530 nghìn tỷ đồng) vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cần giải ngân từ đây tới cuối năm 2022 sẽ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong ba quý cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% vào năm 2022, cho thấy khả năng hệ thông ngân hàng được cấp thêm 2% hạn mức tăng trưởng tín dụng từ giờ tới cuối năm 2022 tùy vào diễn biến kinh tế vĩ mô, sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp thêm 2% tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống vào đầu tháng 9.
Theo kịch bản tích cực mà ACBS đã dự phóng, với một giả thuyết là Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm vào quý III/2022, các chuyên gia kỳ vọng rằng GDP của Việt Nam trong quý III/2022 sẽ tăng cao nhất 14,7%.
Tại báo cáo này, sau đợt tăng lãi suất mạnh mẽ gần đây của NHNN (+1%) và nếu FED tiếp tục tăng lãi suất như trong báo cáo dự báo kinh tế được công bố vào ngày 22/9, ACBS kỳ vọng rằng NHNN sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa từ giờ cho tới cuối năm 2022. Cho nên, ACBS tiếp tục giữ quan điểm việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2022 sẽ không có sự thay đổi lớn, hỗ trợ bởi:
- Miễn là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.
- Tác động lớn chính của việc FED tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của FED, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, ACBS kỳ vọng dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Và Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và chừng nào lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất.
- Xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi hoạt động sản xuất dần phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược “không ca COVID-19” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại trong 8T2022 của Việt Nam tiếp tục sôi động, ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD (+16,3% n/n) và thặng dư cán cân thương mại đạt 5,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước vừa tăng tỷ giá giao ngay chào bán giao dịch tại Ngân hàng Nhà nước (lần thứ 3 trong năm 2022) vào chiều ngày 7/9/2022 (là tỷ giá chào bán USD của các NHTM mua USD của NHNN) thêm 300 đồng (tăng từ 23.400 lên 23.700 đồng / USD) dưới áp lực phải bán USD cho các NHTM lớn trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mạnh tay tăng lãi suất 100 điểm phần trăm (+1%) các loại lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ và duy trì sự ổn định của VND trong những tháng tới.
Thu Thủy