Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nới "room" tín dụng lên đến 16%

Trong tuần này, chủ đề được giới tài chính chú ý nhất chính là câu chuyện bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng. Giới phân tích chứng khoán dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể nới “room” tín dụng lên mức 16%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Áp lực nới “room” tín dụng đang mạnh

Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết từ năm 2013 đến nay, tăng trưởng tín dụng thường tăng cao hơn trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm, chỉ trừ năm 2019. Điều này phù hợp với quy luật nhu cầu vốn mạnh hơn trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, năm 2022 có một đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch, do đó, nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh trong giai đoạn đầu năm. Trong 7 tháng 2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng lần lượt 17,9% và 49,7% so với cùng kỳ. Điều này hàm ý rằng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.

Xét theo lĩnh vực cho vay, hoạt động thương mại và hoạt động khác đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm.

Riêng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 14,1% so với cuối năm 2021, trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh chỉ tăng 8,2% nhưng tín dụng bất động sản phục vụ mục đích sử dụng tăng đến 17,2%, cao hơn đáng kể so với mức tăng tín dụng chung là 9,4%.

Đối với các lĩnh vực còn lại thì nhu cầu vay cho hoạt động công nghiệp tăng 7,6% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm trước. Tín dụng vào các ngành nông nghiệp, xây dựng và vận tải ghi nhận sự phục hồi, lần lượt tăng 7,5%, 7,1% và 3,8% so với đầu năm.

Đồ thị tăng trưởng theo từng lĩnh vực. (Nguồn: VDSC)

Đồ thị tăng trưởng theo từng lĩnh vực. (Nguồn: VDSC)

VDSC nhận định, diễn biến này cho thấy nhu cầu vay mua bất động sản đang dẫn dắt dòng chảy tín dụng, trong khi đó, cho vay đến các nhà phát triển bất động sản bị hạn chế bởi chính sách. Nhu cầu vốn cho hoạt động thương mại trở lại mạnh mẽ, các lĩnh vực còn lại có ghi nhận sự phục hồi về nhu cầu tín dụng nhưng chậm hơn.

Dựa vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, VDSC đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao, việc siết “room” tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III/2022 sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm.

Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế khi sau 3 tháng thực hiện, số tiền lãi đã hỗ trợ chỉ đạt 1,02 tỷ đồng.

VDSC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%.

"Room" tín dụng sẽ được thông báo vào đầu tuần

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm diễn ra vào ngày 26/8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chia sẻ thông tin mới nhất về lộ trình bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: “"Chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo về điều chỉnh phần còn lại của room tín dụng trong con số 14% mà Ngân hàng Nhà nước đã định hướng từ đầu năm để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%.”

Thông tin trên được Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đưa ra trong bối cảnh kết quả thực hiện giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% còn nhỏ giọt. Báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là vẫn còn tâm lý e ngại của các ngân hàng thương mại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã HTLS cho khách hàng.

Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các ngân hàng thương mại cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các ngân hàng thương mại mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Một số chi nhánh ngân hàng thương mại đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sau Hội nghị này sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong triển khai chương trình nhằm đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả; Đẩy mạnh truyền thông giúp người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách và nâng cao khả năng tiếp cận Chương trình hỗ trợ này.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương tổ chức hội nghị kết nối chuyên đề về hỗ trợ lãi suất giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại các địa bàn.

Theo đó, các doanh nghiệp thuộc đối tượng hưởng gói hỗ trợ lãi suất này cũng tham gia. Doanh nghiệp nào tiếp cận được hoặc không tiếp cận phải có lý do rất rõ ràng, các tổ chức tín dụng cũng phải giải thích rất rõ ràng. Nếu còn băn khoăn, thắc mắc thì tổng hợp để cùng tháo gỡ để minh bạch, công khai.

Hoàng Hà

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...