Ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng nợ xấu: Nhiều kỷ lục mới được lập
Trong bối cảnh rủi ro nợ xấu vẫn tiềm ẩn, nhiều ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro cho vay, tăng "sức đề kháng" trước bão COVID-19. Đặc biệt, nhiều nhà băng đã chủ động trích lập đầy đủ cho toàn bộ các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 14 trước thời hạn 2023.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Cụ thể, tại nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank cho biết đã trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỷ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với mức 424%.
Tương tự, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% cho nợ cơ cấu; qua đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235%, mức cao nhất trong lịch sử.
Trong khi đó, tại VietinBank, dù ngân hàng này chưa công bố cụ thể đã trích lập đầy đủ 100% các khoản nợ cơ cấu hay không, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này kết thúc năm 2021 đạt lên mức 171%, cao hơn đáng kể so với 2020.
Còn tại nhóm ngân hàng tư nhân, theo báo cáo tài chính quý IV/2021 vừa công bố, với việc nâng quỹ dự phòng rủi ro cho vay khách hàng gấp đôi lên 8.758 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất của MB đã tăng mạnh lên 268%. Thậm chí, nếu xét riêng của ngân hàng mẹ, con số này còn lên tới gần 400%, tức mỗi đồng nợ xấu được dự phòng bằng 4 đồng.
Tại ACB, mặc dù nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 52,1% trong kỳ lên mức 2.799 tỷ đồng, qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay lên 0,77%. Song, với việc mạnh tay "củng cố" bộ ệm nợ xấu lên 5.862 tỷ đồng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB đã tăng từ mức 160% lên 210%.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như Techcombank tăng từ 171% vào cuối năm 2020 lên 184% như hiện nay, TPBank tăng từ 134% lên 152%, LienVietPostBank tăng từ 90% lên 143%,....
Theo nhận định của giới phân tích, tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao, càng cho thấy tiềm lực tài chính, khả năng sẵn sàng dùng các khoản dự phòng đã trích lập để xoá các món nợ khó thu hồi của các ngân hàng.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng tăng lên khi nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm dừng hoạt động, do vậy không thể trả nợ cho ngân hàng đúng hạn.
Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia của SSI Research cho rằng với việc chủ động trích lập dự phòng, giúp cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu, qua đó sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng cho khoảng thời gian tiếp theo.
Song, nhóm phân tích giữ quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng.
Mặc dù bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng trong năm 2022 vẫn chưa rõ ràng khi các biển chủng COVID-19 vẫn còn là một ẩn số với nền kinh tế toàn cầu..
Song, với những nỗ lực bao phủ nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua, giới phân tích cho rằng chưa cần phải quá lo lắng về chất lượng tài sản ngân hàng.
Theo quan điểm của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), mức nợ xấu của các ngân hàng Việt trước đại dịch tương đối thấp, thậm chí rất thấp ở một số ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu chỉ từ 0,4 - 0,6%.
Do đó, việc tăng từ mức nền so sánh thấp trở lại mức bình thường khiến tỷ lệ nợ xấu có vẻ tăng tương đối cao, có thể tăng gấp đôi lên mức nợ xấu bình thường là 1 - 1,2%. Tuy nhiên, đây vẫn là tỷ lệ nợ xấu tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu.
"Ngoài ra, nợ xấu tăng do dịch bệnh sẽ không gây ra rủi ro có hệ thống cho hoạt động của các ngân hàng Việt. Theo đó, nhiều khoản vay sẽ quay trở lại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn khi nền kinh tế đang dần phục hồi hậu giãn cách xã hội", MBKE nhận định.
Anh Khôi