Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một ngân hàng đang niêm yết nằm trong nhóm có tỷ lệ nợ xấu cao nhất toàn ngành dù doanh thu khởi sắc trong quý 3

Tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng mạnh từ 1,8% hồi đầu năm lên mức 3,68% trong quý 3/2023, rơi vào nhóm ngân hàng đang niêm yết có tỷ lệ nợ xấu cao nhất toàn ngành.

 

Tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng lên 3,68% trong quý 3/2023, thuộc nhóm ngân hàng đang niêm yết có tỷ lệ nợ xấu cao nhất toàn ngành.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam ( VIB ; HoSE: VIB), vừa công bố BCTC Hợp nhất Soát xét quý 3/2023, ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2.146 tỷ đồng, giảm 3,87% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo, thu nhập lãi thuần – mảng kinh doanh cốt lõi mang về cho VIB 4.321 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong kỳ, các hoạt động kinh doanh khác cũng đồng loạt tăng trưởng tốt như: Hoạt động dịch vụ đem về 1.062 tỷ đồng (tăng 33,5%); Hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về 322 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 55 tỷ đồng); Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đem về 113 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 65 tỷ đồng); Thu nhập từ hoạt động khác cũng đem về 207 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu khởi sắc trong quý 3/2023, giúp VIB đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 4.307 tỷ đồng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Thế nhưng, trong quý 3/2023, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của VIB là 1.624 tỷ đồng, tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả, VIB chỉ đạt lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2023 là 2.682 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của VIB đạt 13.027 tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm. Thế nhưng, VIB cũng đã phải dành ra 3.153 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 3,4 lần so với cùng kỳ), khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của VIB suy giảm đáng kể, đạt 6.660 tỷ đồng (tăng 6,54% so với cùng kỳ năm 2022).

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của VIB đạt 384.419 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 245.630 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Trong đó, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của VIB là 3.739 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm.

Hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ  lệ 0,69% tổng  dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng VIB.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu của VIB tăng mạnh từ 1,8% hồi đầu năm lên mức 3,68% trong quý 3/2023, rơi vào nhóm ngân hàng đang niêm yết có tỷ lệ nợ xấu cao nhất toàn ngành.

Theo báo cáo, hiện Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình là nhóm ngành nghề kinh doanh có dư nợ cho vay cao nhất của VIB, chiếm 83,47% tổng dư nợ cho vay khách hàng, tương ứng 209.028 tỷ đồng. Xếp thứ 2 là nhóm ngành nghề Công nghiệp chế biến, chế tạo với 12.379 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,04%.

Trong khi, nhóm ngành nghề Hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ có dư nợ 1.697 tỷ đồng, chiếm 0,69% tổng dư nợ cho vay khách hàng của VIB tính đến cuối tháng 9/2023.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch 20/11, giá cổ phiếu VIB ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu, giảm 0,78% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...