Lộ rõ giá trị tài sản thế chấp trong 78.000 tỷ đồng nợ ngân hàng phải thu
Số việc và số tiền cần thu hồi đều tăng, kết quả vẫn đang còn rất khiêm tốn, và điểm đáng chú ý là giá trị tài sản thế chấp hụt đi nhiều…
Thời gian qua, khi các vụ việc phát sinh hoặc khi đối diện rủi ro nợ xấu, nhiều thông tin lý giải hoặc phản hồi từ các ngân hàng vẫn thường nhấn mạnh đến các khoản liên quan có tài sản thế chấp, như một điểm tựa tin cậy.
Nhưng, khi cơ quan chuyên trách vào xem xét, giá trị thực tế của tài sản thế chấp lộ rõ điểm quan ngại.
Theo chương trình dự kiến, ngày mai (15/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác thi hành án năm 2022, trong phiên họp thứ 15 đang diễn ra.
Tại báo cáo, về thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, Chính phủ cho biết tổng số phải thi hành là 36.906 việc, tương ứng với 134.552 tỷ 440 triệu đồng, chiếm đến 40,72% trong tổng số tiền phải thi hành. So với cùng kỳ năm 2021 thì tăng 532 việc và tăng 5.489tỷ904 triệu đồng.
Trong đó, có điều kiện thi hành là 23.350 việc, tương ứng 78.013 tỷ đồng. Đã thi hành xong 4.765 việc, tăng 908 việc so với cùng kỳ 2021 tương ứng với số tiền 17.603 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc thi hành thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả chưa cao, phần nào ảnh hưởng đến kết quả chung. Số các vụ việc phải tiến hành cưỡng chế vẫn còn nhiều.
Tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua, trình bày ý kiến nghiên cứu bước đầu báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án 10 tháng năm 2022, Tiểu ban IV của Ủy ban nhận định, việc thực hiện thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng còn chậm, kết quả chưa cao do giá trị tài sản thế chấp khi xử lý thấp hơn nhiều so với khi thẩm định cho vay.
Vẫn theo báo cáo của Chính phủ thì kết quả thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng có phần lạc quan hơn.
Cụ thể, thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế 10 tháng năm 2022 đạt kết quả cao. Tổng số phải thi hành là 3846 việc tương ứng với 88.604 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là 2785 việc tương ứng với 50.366 tỷ đồng. Đã thi hành xong 1493 việc, tương ứng với 10.327 tỷ đồng, tăng hơn 8.319 tỷ đồng, tương đương tăng 414,3% về tiền so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp để đảm bảo giải quyết tốt việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong năm 2023, Chính phủ cho biết sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.
Việc hoàn thiện pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm cùng với việc ra soát sửa đổi bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã được Chính phủ tính đến trong kế hoạch của năm sau.