Lãi suất tiết kiệm tăng cao, doanh nghiệp thêm lo
Tăng trưởng tín dụng tăng đang là một trong những lý do khiến các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm để cải thiện thanh khoản.
Theo bảng lãi suất tiền gửi tiết kiệm được các ngân hàng áp dụng từ tháng 5 vừa được công bố, rất nhiều ngân hàng thương mại đã tăng mạnh lãi suất huy động. Đơn cử như tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của Ngân hàng SHB tăng từ 5,7-5,8%/năm lên 6,1-6,2%/năm.
Đối với hình thức gửi online, lãi suất cũng tăng khá mạnh. Một số ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất tiết kiệm lên cao khác gồm có ACB, MSB,... hiện có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm, Nam A Bank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm.
Dẫn đầu về mức lãi suất tiết kiệm trong khối ngân hàng thương mại là Techcombank với lãi suất cao nhất là 7,8%/năm. Để được hưởng mức lãi suất cao trên, khách hàng phải gửi tiết kiệm online và kỳ hạn từ 16 tháng trở lên.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng đã tác động tích cực lên nguồn tiền gửi, nhất là đối với tiền gửi từ khu vực dân cư có dấu hiệu cải thiện rõ nét. Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước (NHNN) TPHCM, 4 tháng đầu năm 2022 các ngân hàng trên địa bàn huy động vốn tăng 2,74% so với cuối năm 2021, trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 3,26%.
Theo phân tích từ các chuyên gia tài chính, mặt bằng lãi suất nói chung chịu lực đẩy chủ yếu từ xu hướng đi lên của lạm phát do giá cả hàng hóa tăng, thanh khoản của một số ngân hàng có thời điểm sẽ gặp khó khăn do nợ xấu gia tăng.
Các chuyên gia của CTCK SSI cho rằng, với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng tăng mạnh và áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ bắt đầu nhích tăng trong nửa cuối năm 2022.
Còn báo cáo phân tích của CTCK VnDirect cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì ở mức thấp lịch sử do nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc. Đồng thời, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm nay và sự cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.
TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích tài chính cho rằng tín dụng tăng, ngân hàng đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy động tiết kiệm, chuẩn bị tốt thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm. Nhưng điều này cũng khiến các doanh nghiệp đang lo ngại. Các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp. Điều này cũng phần nào tạo áp lực lên lãi suất cho vay ra.
Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa lo lắng khó khăn sẽ chồng lên khó khăn. Như với ngành may mặc, nhiều đơn vị quy mô nhỏ phải vay vốn với lãi suất cao, trên 7%/năm. Ông Nguyễn Ninh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiến Ninh ở quận Tân Phú cho biết, mức lãi suất này vẫn cao với các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong điều kiện kinh tế bình thường, mức tăng lãi suất như vậy không đáng lo ngại nhưng trong bối cảnh hiện nay sẽ gây thêm áp lực cho nhà sản xuất, kinh doanh. Bởi gần đây giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển, xăng dầu… tăng mạnh. Ví dụ, giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển đều đã tăng 30%-50% so với năm ngoái. Tính trung bình thì chi phí đầu vào đã tăng hơn 15% trong khi hàng xuất khẩu không thể tăng giá.