Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BIDV, Vietcombank và VietinBank có nhiều tiền gửi khách hàng nhất quý I/2022

Khảo sát số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 27 ngân hàng đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2021.

5506-tiyn-gyi-ngan-hang-bidv

BIDV là ngân hàng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với gần 1,4 triệu tỷ đồng

Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng đã có kết quả báo cáo tài chính quý I/2022 ghi nhận nhiều kết quả khả quan hứa hẹn. Khảo sát số liệu từ báo cáo tài chính quý I/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tổng số dư tiền gửi khách hàng của 27 ngân hàng đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2021.

Dẫn đầu nhóm ngân hàng có nhiều tiền gửi khách hàng nhất là 3 "ông lớn" quốc doanh, trong đó BIDV là ngân hàng huy động được nhiều tiền gửi nhất hệ thống với gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2021. Theo sau là VietcombankVietinBank với số dư tiền gửi khách hàng đều trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng lần lượt là 4,4% và 3,9% so với cuối năm trước.

Tính riêng 3 ngân hàng kể trên, lượng tiền gửi đã đạt gần 3,8 triệu tỷ đồng, chiếm đến 48% tổng số tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống.

Tại nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank là ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất với 457.792 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2021. Xếp sau là MB và ACB với tiền gửi khách hàng đạt trên 380.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 1,4% và 1,6%.

Ngoài ra, top 10 ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng lớn nhất còn bao gồm SHB (333.639 tỷ đồng), Techcombank (328.914 tỷ đồng), VPBank (274.149 tỷ đồng) và HDBank (201.490 tỷ đồng).

Xét về tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong ba tháng đầu năm, VPBank là ngân hàng tăng nhanh nhất hệ thống với mức tăng trưởng 13,4%. Theo sau đó là HDBank (9,9%), TPBank (9,3%), Sacombank (7,1%),...

4917-1-a-tiyn-gyi

Tiền gửi khách hàng của các ngân hàng trong quý I/2022

Ở chiều ngược lại, có 7 ngân hàng ghi nhận sụt giảm tiền gửi khách hàng tính đến 31/3/2022 là LienVietPostBank, NCB, SeABank, OCB, VietABank, PG Bank và Saigonbank.

Lãi suất tăng, tiền gửi nhàn rỗi ‘ồ ạt’ chảy vào ngân hàng

Từ đầu năm đến nay nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn để kích thích nguồn tiền nhàn rỗi của người dân quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Thời điểm hiện tại, tuần đầu tiên của tháng 5/2022 ghi nhận "cuộc đua" tăng lãi suất huy động đã có thêm sự góp mặt của một số ngân hàng thương mại với mức tăng từ 0,1-0,4%/năm so với thời điểm này tháng trước.

SHB vừa tăng mạnh lãi suất tiền gửi cả trên kênh huy động trực tuyến lẫn tại quầy. Hiện lãi suất tiết kiệm online cao nhất tại SHB lên đến 6,7%/năm cho kỳ hạn từ 36 tháng, tăng 0,35%/năm so với trước và 6,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,3%/năm.

Còn với tiền gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động cũng tăng 0,4%/năm lên mức 6,5-6,6%/năm với kỳ hạn 36 tháng và 6,1-6,2%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

SHB cũng đang niêm yết lãi suất chứng chỉ tiền gửi Phát Lộc lên tới 7,4%/năm với kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm với kỳ hạn 6 năm.

Tại Ngân hàng MB, lãi suất tiết kiệm tăng từ 0,15-0,24%/năm tại một số kỳ hạn. Trong số đó, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,24%/năm lên 5,75%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,18%/năm lên mức 5,39%/năm...

Trong khi đó, Eximbank cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 15 tháng thêm 0,2%/năm so với hồi đầu tháng 4 lên mức 6,5%/năm. Đồng thời, ngân hàng áp dụng loạt khuyến mại, tặng quà bằng hiện vật để thu hút khách hàng.

Trước đó, từ nửa cuối tháng 4, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất như VPBank, ABBank, MSB, HDBank, NamABank, Viet Capital Bank, Techcombank,... Mức tăng tại các ngân hàng này dao động từ 0,1-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn.

Xét về lãi suất huy động cao nhất tại mỗi ngân hàng, Techcombank vẫn đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng điều kiện gửi từ 999 tỷ đồng trở lên.

Tiếp sau đó là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) với 7,6%/năm, NamABank 7,4%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), MSB hay VietCapitalBank áp dụng lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm... đi kèm một số điều kiện riêng.

Tiếp tục giữ ở mức ổn định, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại nhóm các ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank cao nhất vẫn ở mức 5,5-5,6%/năm.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, thanh khoản trên thị trường chứng khoán chậm lại và mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng đã giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng.

Thực tế, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng phản ánh dòng tiền nhàn rỗi của dân cư đang quay trở về hệ thống ngân hàng. Tại thời điểm cuối tháng 2/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Trong số đó chủ yếu nhờ tiền gửi từ dân cư tăng.

Sau 2 tháng đầu năm, tiền gửi từ dân cư tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021, đạt 5,46 triệu tỷ đồng.

Việc dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng, một phần là do lãi suất huy động đang dần hấp dẫn trở lại cùng nhiều chương trình khuyến mãi, phần khác là bởi đây vẫn luôn được xem là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, vàng, tiền điện tử... đang có nhiều biến động khó lường.

Nhận định về xu hướng lãi suất năm nay, giới phân tích từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất năm nay khó có khả năng giảm so với cuối năm 2021, thậm chí có thể tăng trở lại, với mức tăng khoảng 0,5-1%/năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022.

Hoàng Hà

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...