Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?

Tính đến đầu tháng 7, SCB tiếp tục là "quán quân" lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, tại kênh online, lãi suất dao động 7,3%-7,55%/năm ứng với các kỳ hạn 12-36 tháng.

Tiền gửi tiết kiệm online tại CBBank kỳ hạn 12 tháng là 7,2%, các kỳ hạn trên 13 tháng khách hàng được hưởng lãi suất 7,25%. Thấp nhất trong kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy vẫn là nhóm ngân hàng Big 4 và LienVietPostBank, duy trì ở mức 5,5-5,6%/năm.

Theo khảo sát lãi suất huy động 33 ngân hàng của Người Đồng Hành, tính đến đầu tháng 7, SCB tiếp tục có mức lãi suất tiền gửi tại quầy và online cao nhất với 7,3%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Ngoài ra, SCB có mức lãi suất 7,6% nhưng chỉ áp dụng với món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng. Còn tại kênh online, lãi suất dao động từ 7,3% đến 7,55% ứng với các kỳ hạn 12-36 tháng.

Cũng với mức lãi suất trên 7%, từ ngày 27/6 CBBank có sự điều chỉnh lãi suất tiền gửi tại quầy tăng thêm 0,15 điểm phần trăm từ 7%/năm lên 7,15%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, còn đối với kỳ hạn 13 tháng trở lên lãi suất áp dụng là 7,2%. Tiền gửi tiết kiệm online tại CBBank kỳ hạn 12 tháng là 7,2%, các kỳ hạn trên 13 tháng khách hàng được hưởng lãi suất 7,25%.

Tại NamABank, mức lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12-15 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 16-36 tháng là 7,4%/năm. Trong khi tiền gửi tại quầy, kỳ hạn 12 tháng khách hàng chỉ được hưởng mức lãi suất 6,5% thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với gửi tiền online.

Tại SHB mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể hưởng là 7,1%/năm và có điều kiện đi kèm. Theo đó, lãi suất mặc định đối với kỳ hạn 18 tháng, gửi tại online là 6,6%, từ ngày 12/5 khách hàng gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất cộng thêm 0,4% từ chương trình ưu đãi mùa hè và cộng thêm 0,1% nếu là khách hàng gửi tiền lần đầu.

Nhiều nhà băng khác cũng đưa ra lãi suất trên 7%/năm cho trường hợp đặc biệt giá trị tiền gửi vài trăm tỷ đồng trở lên. Đơn cử, HDBank sẽ áp dụng mức lãi suất 7,15%/năm đối với những khoản tiết kiệm tối thiểu 300 tỷ đồng, lĩnh lãi cuối kỳ với kỳ hạn 13 tháng, trong khi điều kiện thường là 6%/năm.

Tại Techcombank, khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền từ 999 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 12 tháng sẽ được nhận lãi suất ưu đãi 7,1%/năm, trong khi điều kiện thường là 5,9%/năm đối với khách hàng VIP.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất? - Ảnh 1.

 

Tại LienVietPostBank, đối với các khoản tiền gửi mới hoặc tái tục kỳ hạn 13 tháng của hợp đồng tiền gửi có số dư tiền gửi từ 300 tỷ đồng trở lên áp dụng lãi suất huy động lĩnh lãi cuối kỳ là 6,99%/năm.

Với kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy, một số ngân hàng khác có mức lãi suất dưới 7% như BacABank (6,8%/năm), BaoVietBank (6,65%/năm), VietABank (6,6%/năm), VietCapital Bank (6,4%/năm), OCB (6,3%/năm)…

Thấp nhất trong kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy vẫn là nhóm ngân hàng Big 4 (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) và LienVietPostBank duy trì lãi suất huy động ở mức thấp 5,5-5,6%/năm.

Tính đến 1/7, ACB là một trong những ngân hàng có sự điều chỉnh lãi suất mạnh nhất, thay đổi ở nhiều kỳ hạn. Tại quầy đối với mức gửi trên 500 triệu đồng, kỳ hạn 9 tháng tăng 1,1% lên 5,8%/năm áp dụng với khách hàng ưu tiên, tăng 1% lên 5,6% với khách hàng thông thường. Kỳ hạn 6 tháng tăng 1% lên 5,6% nếu là khách hàng ưu tiền, khách hàng thông thường 5,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng lần lượt điều chỉnh tăng 0,8% và 0,3% một năm, tương đương với mức lãi suất 6% và 6,2%/năm. Tuy nhiên so với mặt bằng lãi suất huy động cùng với các ngân hàng khác thì mức lãi suất của ACB vẫn nằm áp chót trong top những ngân hàng có lãi suất tiền gửi thấp nhất.

Đối với kỳ hạn 1 tháng, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất kịch trần 4%/năm là SCB, GPBank, ACB và PGBank. Thấp nhất trong kỳ hạn 1 tháng là Techcombank với 2,85%/năm, MB là 2,9%/năm và Vietcombank là 3%/năm. Ba ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 là Agribank, BIDV và Vietinbank có mức lãi suất được ấn định chung tại kỳ hạn này là 3,1%/năm.

Năm 2022 lãi suất huy động chịu áp lực tăng từ 100-150 điểm cơ bản

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, đến 20/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,47%), tương đương 11,33 triệu tỷ đồng dư nợ. Trong 6 tháng, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97%, trong khi 6 tháng 2021 tăng 3,13%. CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định hầu hết các ngân hàng thương mại đều hết room tín dụng, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa nới room tín dụng nên lượng tiền dư trong hệ thống ngân hàng thương mại ngày càng tăng lên làm cho lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm xuống. Theo đánh giá của TPS, lãi suất huy động và cho vay dự báo tăng do sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất và nguy cơ lạm phát.

Đồng quan điểm với TPS, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 điểm cơ bản trong cả năm 2022.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất? - Ảnh 2.
 

Trong báo cáo ngành ngân hàng gần đây của công ty chứng khoán VNDirect, đơn vị này nhận định lãi suất tiền gửi đã tăng trở lại kể từ tháng 5. Trong năm nay, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại do nhu cầu huy động vốn lên cao dựa trên tín dụng tăng trưởng, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản, chứng khoán... và nhất là áp lực lạm phát. Nhóm phân tích dự báo lãi suất có thể được nâng lên 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022. Riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức bình quân 5,9%-6,1%/năm vào cuối năm nay, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm giai đoạn trước dịch bệnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...