KBSV: Lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tăng do lạm phát tăng trở lại
Theo báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm của Công ty chứng khoán KB (KBSV), các chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong nửa cuối 2022.
Ảnh minh họa |
Theo KBSV, lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 0,5 - 1% trong năm nay, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0,4 – 0,7%, do Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành chịu tác động bởi dịch bệnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế khôi phục trở lại.
Tại thời điểm cuối tháng 6, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm về gần mức nền thấp của năm 2021. Đối với lãi suất huy động, do thanh khoản các ngân hàng chịu nhiều áp lực khi nhu cầu tín dụng tăng cao, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng ở cả kỳ hạn ngắn và dài trong quý II.
Tuy nhiên tới tháng 6 đà tăng đã có phần chững lại khi tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đã chạm mức trần tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp cho đầu năm nên dư địa để các ngân hàng cho vay tiếp là không còn. Các ngân hàng nhỏ có mức tăng lãi suất huy động cao, dao động từ 0,5 - 1%, trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh có mức biến động tương đối hẹp (< 0,5%)
Tính đến ngày 30/6, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 9,35% (6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 6,47%). Mức tăng trưởng tín dụng này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tăng lên khi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã trở lại bình thường.
Trong ngắn hạn, KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ sẽ tiếp tục sử dụng đồng thời hai công cụ là dự trữ ngoại hối và phát hành tín phiếu trên hoạt động thị trường mở để ổn định tỷ giá trước những cú sốc bên ngoài (lạm phát neo cao khiến các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục nâng lãi suất, thu hẹp không gian chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ, đặc biệt là Fed).
Về tỷ giá, diễn biến mạnh lên của đồng USD là yếu tố chính gây áp lực lên tỷ giá. Vì vậy, KBSV dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên khoảng 2% trong năm 2022, khi nguôn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tưng đương mức đạt được trong năm 2021.
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng thuận thay đổi chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt để ghìm cương đà tăng của lạm phát, từ đó gia tăng mối lo ngại về suy thoái kinh tế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá linh hoạt, bình ổn tỷ giá thông qua việc bán ngoại tệ để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường. Theo KBSV, ước tính Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 11 – 12 tỷ USD qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang.
Hồng Giang