Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấp tín dụng điện tử, ngân hàng ngóng chờ hành lang pháp lý

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có bổ sung quy định về “cho vay bằng phương tiện điện tử”. Nội dung này được các ngân hàng, công ty tài chính đánh giá là còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn.

Cấp tín dụng điện tử, ngân hàng ngóng chờ hành lang pháp lý (Ảnh minh họa)
Cấp tín dụng điện tử, ngân hàng ngóng chờ hành lang pháp lý (Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ thời gian gần dây, các ngân hàng đã nhanh chóng cung cấp nhiều dịch vụ trên kênh số. Tuy nhiên, vẫn còn một mảng nghiệp vụ quan trọng – cấp tín dụng chưa có hành lang pháp lý để triển khai trên môi trường điện tử.

Nhu cầu cung cấp dịch vụ ngân hàng trên kênh kỹ thuật số đối với các khoản vay mục đích tiêu dùng là rất lớn, giúp khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý khiến ngân hàng và khách hàng đều e ngại những rủi ro, tranh chấp xảy ra.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các ngân hàng, công ty tài chính đều chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung văn bản quan trọng về nghiệp vụ tín dụng sẽ hoàn thiện khung pháp lý để có thể cung cấp dịch vụ cho vay trên môi trường điện tử.

Vừa qua, tại cuộc họp góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, nhiều ngân hàng, công ty tài chính đã đề cập đến các nội dung liên quan đến cho vay bằng phương thức điện tử. Dự thảo Thông tư 39 sửa đổi đã bổ sung điều khoản quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử (Điều 24a) trong đó cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, quy định tại Dự thảo Thông tư sửa đổi được đánh giá là vẫn còn giới hạn tổ chức tín dụng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu dùng do vẫn phải tuân thủ “nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay” của Thông tư 39. Hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng đã áp dụng phê duyệt tự động đối với những khoản vay nhỏ theo những tiêu chí nhất định…

Do đó, để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, bao quát cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit đề nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung vào Điều 24a quy định cho phép tổ chức tín dụng được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn. Trong đó, việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng thực hiện tự động trên hệ thống phần mềm đối với các khoản vay giá trị nhỏ, khoản vay cho mục đích tiêu dùng.

Đại diện Techcombank cũng đề nghị cần có quy định riêng, cụ thể hơn, hợp lý hơn đối với cho vay bằng phương thức điện tử. Nếu chỉ bằng 1 điều sửa đổi như tại dự thảo Thông tư là chưa đáp ứng được, bởi không chỉ hoạt động cho vay nhỏ lẻ mà rất nhiều hoạt động tại các ngân hàng đang áp dụng khoa học dữ liệu và các mô hình tính toán được dựa trên dữ liệu thống kê để trợ giúp cho quá trình tìm kiếm khách hàng, xây dựng sản phẩm, thẩm định và ra quyết định tín dụng đối với các khoản vay… Đại diện Techcombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu và đưa ra hành lang pháp lý “mở đường” để các tổ chức tín dụng tiếp cận và áp dụng các công nghệ 4.0.

Được biết, tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), với vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư giải đáp các đề xuất, kiến nghị tại cuộc họp, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết đối với quy định cho vay bằng phương thức điện tử, bà Bùi Thúy Hằng cho biết trong quá trình nghiên cứu, cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu và đưa vào chỉnh sửa nhiều nội dung. Cơ quan soạn thảo mong muốn đưa ra được khung pháp lý chung hoàn thiện nhất cho việc cho vay bằng phương tiện điện tử, từ đó các tổ chức tín dụng có thể chủ động xây dựng, triển khai thực hiện để tránh được những rủi ro pháp lý sau này.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh đây là thông tư quan trọng đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng và thời gian qua VNBA cũng rất tích cực tham gia góp ý với cơ quan soạn thảo. TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết sau cuộc họp Hiệp hội sẽ có báo cáo đầy đủ về những khó khăn vướng mắc các tổ chức tín dụng đang gặp phải khi thực hiện Thông tư 39, cũng như các đề xuất liên quan đến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 gửi tới Ngân hàng Nhà nước và các vụ, cục chức năng để khi văn bản được ban hành phù hợp nhất với thực tiễn, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

La Thành

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...