Bất ổn của ngành ngân hàng khác xa so với năm 2008: Khi những định chế lớn là "nạn nhân" của lời đồn trên mạng xã hội
Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, nhận định đây là cuộc khủng hoảng ngân hàng đầu tiên của “thế hệ Twitter”.
Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, chia sẻ với CNBC rằng đây là cuộc khủng hoảng ngân hàng đầu tiên của “thế hệ Twitter”, khi nhắc đến việc Credit Suisse rơi vào cảnh khó khăn.
Ngày 14/3, cổ phiếu của CS giảm mạnh sau khi “những điểm yếu quan trọng” được chỉ ra trong báo cáo tài chính của ngân hàng này. Thông tin này đã kích hoạt 5 ngày đầy hỗn loạn với nhà băng Thuỵ Sĩ và đỉnh điểm là UBS đã đồng ý tiếp quản ngân hàng này.
Donavan cho hay: “Những gì mạng xã hội đã làm là thổi phồng mọi thứ lên, có lẽ theo cấp số nhân. Tôi nghĩ đó là một phần của vấn đề.”
Jon Danielsson - giám đốc Trung tâm nghiên cứu Rủi ro Hệ thống tại Trường Kinh tế London, nhận định truyền thông xã hội đã “tạo nhiều cơ hội hơn” cho những tin đồn không mấy tích cực lan truyền so với năm 2008. Ông nói thêm, việc ngày càng nhiều người sử dụng internet và mạng xã hội, ngân hàng số hay những nền tảng như vậy đều khiến hệ thống tài chính trở nên mong manh hơn so với trước đây.
Rõ ràng rằng, mạng xã hội đã khiến những tin đồn bị lan truyền rất nhanh và dễ dàng.
Jane Fraser - CEO của Citi, phát biểu tại sự kiện được tổ chức bởi The Economic Club of Washington: “Đó là một công cụ thay đổi hoàn toàn mọi thứ. Chỉ vài dòng tweet và sự sụp đổ của SVB đã xảy ra nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta từng chứng kiến trước đây.”
Trong khi thông tin được lan truyền chỉ trong vài giây, thì tiền cũng có thể được rút ra một cách nhanh chóng. Dịch vụ ngân hàng online đã thay đổi hành vi cơ bản của mọi người, cũng như tốc độ tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính.
Donavan cho biết: “Ở những vụ việc gần đây, không có ai xếp hàng đợi bên ngoài các ngân hàng như trong khủng hoảng tài chính, vì mọi người chỉ cần truy cập ứng dụng online, nhấp một vài nút và thoát ra.”
Theo Stefan Legge, trưởng bộ phận chính sách thuế và thương mại tại Viện Nghiên cứu Tài chính (IFF) thuộc Đại học St. Gallen, việc thông tin được lan truyền nhanh chóng kết hợp với khả năng tiếp cận với các khoản tiền gửi có thể khiến các ngân hàng dễ bị ảnh hưởng hơn.
Ông nói: “Trước đây, hình ảnh người ta xếp hàng dài trước các chi nhánh ngân hàng đã gây ra tâm lý hoang mang cho công chúng. Nhưng ngày này chúng ta lại có mạng xã hội, theo một cách nào đó thì việc rút tiền từ các ngân hàng có thể diễn ra nhanh hơn nhiều.”
Củng cố bảng cân đối kế toán
EU đã nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế khu vực sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Các quan chức đã thành lập các tổ chức giám sát tài chính mới và thực hiện kiểm tra áp lực với các định chế tài chính, để cố gắng dự đoán mọi kịch bản tiêu cực và ngăn chặn việc thị trường bị ảnh hưởng.
Danielsson nhận định, điều này giúp các ngân hàng châu Âu khó có thể trải qua bất kỳ điều gì nghiêm trọng như năm 2008. Nguồn vốn của các ngân hàng đã ổn định hơn, các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về những rủi ro và tiêu chuẩn vốn cũng cao hơn.
Giờ đây, các ngân hàng được dự đoán là có khoản vốn nhiều hơn để phòng rủi ro và việc sử dụng tỷ lệ đòn bẩy ngân hàng là sự khác biệt giữa tình hình tài chính hiện tại và năm 2008, Bob Parker - cố vấn cấp cao tại Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế, cho biết.
Ông nói thêm, nếu nhìn vào top 30 hay 40 ngân hàng toàn cầu, thì tỷ lệ đòn bẩy là rất thấp trong khi thanh khoản ở mức cao. Parker nhận định rủi ro trong hệ thống ngân hàng ngày này ít hơn đáng kể so với bất kỳ thời điểm nào trong 20 hoặc 30 năm qua.
Những vấn đề mang tính “cá nhân” trong ngành
Tuy nhiên, các định chế quy mô nhỏ vẫn có thể gặp khó khăn dù toàn bộ ngành vẫn ở trạng thái ổn định. Parker miêu tả đây là “những vấn đề khá nghiêm trọng”, chứ không phải là vấn đề đã “ăn sâu” vào cả lĩnh vực ngân hàng.
Ông cho biết: “Tôi thực sự không đồng tình với lập luận rằng chúng ta chứng kiến rủi ro mang tính hệ thống lớn đang hình thành trong ngành ngân hàng.”
Fraser cũng có quan điểm tương tự khi so sánh tình hình hiện tại so với năm 2008. Ông nói: “Không giống như trước đây, đây không phải là một cuộc khủng hoảng tín dụng. Đây là tình huống mà một vài ngân hàng gặp vấn đề và tốt nhất là nên xử lý vấn đề từ ‘trong trứng nước’.”
Điều quan trọng là niềm tin
Theo Thomas Jordan - Chủ tịch NHTW Thuỵ Sĩ (SNB), điểm tương đồng giữa cuộc khủng hoảng năm 2008 và bối cảnh tài chính hiện tại là tầm quan trọng của niềm tin. Việc “thiếu sự tin tưởng” đã đóng một vai trò quan trọng trong những bất ổn với ngành ngân hàng ở châu Âu gần đây.
Stefano Ramelli - trợ lý giáo sư ngành tài chính doanh nghiệp tại Đại học St. Gallen, nhận định rằng niềm tin và sự tin tưởng vào hệ thống là một “luật cơ bản về tài chính”. Theo ông, loại vốn quan trọng nhất với ngân hàng là niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư. Nếu thứ này mất đi thì điều gì cũng có thể xảy ra.
Tham khảo CNBC