Bán lẻ "khỏe" như VIB: 90% là cho vay cá nhân mua nhà - tậu xe, cứ 100 đồng vốn chủ tạo lãi ròng tới 30 đồng
Ngân hàng Quốc tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh chưa kiểm toán cho 9 tháng đầu năm 2022 với tổng doanh thu trên 13.300 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ trọng bán lẻ cao đồng nghĩa với rủi ro được phân tán
VIB cho biết họ là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường với mức độ phân tán rủi ro tập trung tối đa, tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm 90% tổng danh mục cho vay, với trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo.
Đây có lẽ là một điểm đặc trưng của VIB trên thị trường, chủ yếu tập trung cho vay khách hàng cá nhân, cho vay ít (không tập trung) vào nhóm KH doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty, tổng công ty, tập đoàn lớn.
Tại 30/06, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân lên tới 197.416 tỷ đồng, chiếm tới 89% tổng dư nợ cho vay khách hàng của VIB. Trong khi đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp Nhà nước rất khiêm tốn, chỉ có 1.379 tỷ đồng, dư nợ cho vay những doanh nghiệp khác (công ty TNHH, cổ phần,..) vào khoảng 21.400 tỷ đồng.
VIB lâu nay vốn có tiếng với về sản phẩm cho vay mua ô tô (xe mới, cũ). Tính đến hết Quý 3 năm 2022, VIB tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về thị phần cho vay ô tô. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng cho vay nhiều trong mảng mua nhà đất, tiêu dùng,...
Đó cũng là lý do tại sao trong cơ cấu dư nợ của ngân hàng này, tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn lại cao, chiếm tới 63% tổng dư nợ.
Tỷ lệ nợ xấu (nợ từ nhóm 3-5) là chỉ tiêu trực tiếp nhất dùng để đánh giá về mức độ rủi ro trong hoạt động tín dụng của các nhà băng. Tại ngày 30/06/22 báo cáo bán niên của VIB chỉ ra, tỷ lệ nợ xấu theo tình trạng nợ của khách hàng tại VIB là 1,74% (tại 31/12/2021 là 1,75%).
Tỷ lệ nợ xấu này nếu so với nhiều ngân hàng TMCP khác như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, ACB, MBB, TPBank, Techcombank,... thì đều cao hơn.
Trên thực tế, rủi ro tín dụng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy trình, chính sách, hệ thống kiểm soát nội bộ,...
Bán lẻ cao đồng nghĩa với chi phí vận hành tín dụng lớn hơn?
Về mặt lý thuyết, quy trình giải ngân một hồ sơ vay được thực hiện như nhau bất kể giá trị khoản vay là 1 tỷ đồng hay 100 tỷ đồng, đương nhiên không tính tới thời gian thẩm định, xét duyệt dài ngắn khác nhau do quy mô và độ rủi ro tín dụng.
Vì vậy, với những ngân hàng tập trung nhiều khoản vay nhỏ lẻ khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, dẫn đến chi phí vận hành như chi phí nhân viên, văn phòng phẩm, công tác phí,... nhiều hơn.
Tuy nhiên, điều này có thể khắc phục được bằng cách cải tiến quy trình vận hành và số hóa các quy trình, thủ tục để giảm thời gian xử lý công việc.
Ở VIB, trong 9 tháng đầu năm 2022, chi phí hoạt động được kiểm soát tốt, khoảng 4.600 tỷ đồng, với mức tăng 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng doanh thu (tăng 29% so với cùng kỳ).
Một minh chứng rõ ràng về hiệu quả hoạt động của VIB đó là hệ số sinh lời trên vốn chủ ROE ấn tượng, lên tới 30%. Điều này có nghĩa là cứ với mỗi 100 đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra, ngân hàng thu về được 30 đồng lợi nhuận sau thuế.
Hai mảng đem lại thu nhập lớn cho VIB là bảo hiểm nhân thọ và thẻ. Tính đến hết Quý 3 năm 2022, VIB tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về bảo hiểm nhân thọ trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, VIB tiếp tục được các tổ chức trung gian thanh toán hàng đầu thế giới như Mastercard đánh giá là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thẻ tín dụng nhanh nhất và chi tiêu trên thẻ cao nhất Việt Nam.
VIB cho biết họ đang chiếm thị phần số 1 - đóng góp trên 35% tổng mức chi tiêu thẻ Master tại Việt Nam, và là ngân hàng tiên phong đẩy mạnh các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và máy học (Machine Learning) trong các hoạt động về thẻ.
Để có được điều này, không thể phủ nhận lợi ích của việc gia tăng bán lẻ, phát triển nhiều khách hàng cá nhân để bán chéo những sản phẩm dịch vụ ngoài cho vay như thẻ, bảo hiểm,...