ACBS: MB sẽ được nới “room” tín dụng cao hơn trung bình ngành
Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành do nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank.
ACBS: MB sẽ được nới “room” tín dụng cao hơn trung bình ngành |
Chứng khoán ACB (ACBS) vừa ra báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), đưa ra dự báo rằng việc nhận chuyển giao OceanBank có thể sẽ giúp MB được cấp hạn mữc tín dụng cao hơn trung bình ngành từ 1,5-2 lần trong 3-5 năm tới.
Tuy nhiên, ACBS nhận định chi phí dự phòng của ngân hàng MB có thể sẽ phải duy trì ở mức cao, chiếm khoảng 1,6% dư nợ tín dụng mỗi năm trong thời gian tái cơ cấu.
Năm 2022, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng dự báo đạt 22%, cao hơn so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng toàn ngành là 14%. Lãi suất cho vay được kỳ vọng cũng sẽ tăng theo lãi suất huy động.
Theo các chuyên gia ACBS, với kế hoạch nhận chuyển giao OceanBank, MB sẽ không phải hợp nhất báo cáo tài chính của OceanBank, giúp các chỉ tiêu tài chính trên bảng cân đối hợp nhất của ngân hàng không bị ảnh hưởng ngay lập tức. Tuy nhiên, MB có thể sẽ phải bán khoản nợ xấu để tự xử lý, qua đó đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu.
Ngoài ra, chi phí dự phòng năm 2022 được kỳ vọng giảm 14,7% so với năm 2021. Áp lực trích lập dự phòng giảm bớt nhờ ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% nợ tái cơ cấu do COVID-19, nợ xấu lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng duy trì ổn định do. Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng của Mcredit đã được kiểm soát tốt hơn kể từ 2020.
ACBS dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ngân hàng đạt 22.607 tỷ đồng, tăng trưởng 36,8% so với năm trước và cao hơn 11,2% so với mục tiêu của ban lãnh đạo. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng 49% so với cùng kỳ năm trước với động lực đến từ hoạt động tín dụng tăng trưởng mạnh và áp lực trích lập dự phòng giảm xuống.
ACBS kỳ vọng tổng thu nhập của MB năm 2022 sẽ tăng trưởng 18,6% so với 2021, với thu nhập lãi thuần năm 2022 của MB tăng trưởng 27,3% so với năm trước.
Các chuyên gia cũng kỳ vọng thu nhập ngoài lãi sẽ giảm nhẹ 2,4% so với năm 2021 do thu nhập từ hoạt động mua bán chứng khoán dự báo sẽ kém khả quan do lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên.
Hoạt động thu hồi nợ ngoại bảng sụt giảm do thanh khoản thị trường bất động sản trầm lắng, do đó quá trình thanh lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản) để thu hồi nợ dự báo sẽ chậm lại trong thời gian tới
Dự báo CASA của ngân hàng cũng sẽ tiếp tục cải thiện từ mức 48,7% vào cuối 2021 lên mức 50% vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, CASA chiếm tỷ trọng lớn (gần một nửa) trong số dư tiền gửi của khách hàng cũng sẽ giúp hạn chế tác động của việc tăng lãi suất huy động lên chi phí vốn của MB.
Hoàng Quyên