Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

18 ngân hàng thương mại được nới "room" tín dụng trong tháng 9

Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết, có 18 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.

18 ngân hàng thương mại được nới “room” tín dụng trong tháng 9 (Ảnh minh họa)

18 ngân hàng thương mại được nới “room” tín dụng trong tháng 9 (Ảnh minh họa)

VNDirect cho biết có 18 ngân hàng thương mại được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 9 này. 18 ngân hàng được cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng chiếm khoảng 80% tín dụng hệ thống.

Trong đợt cấp tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao - đơn cử như MB, Agribank...

“Đáng chú ý, Sacombank được hạn mức cao nhất là 4%, cao hơn kỳ vọng của thị trường.”, báo cáo của VNDirect cho biết.

Chi tiết mức nới room tín dụng của 18 ngân hàng

Chi tiết mức nới "room" tín dụng của 18 ngân hàng

Theo ước tính của nhóm chuyên gia, với hạn mức tín dụng mới, tổng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 13% vào cuối năm – tiệm cận với mục tiêu 14% của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, cơ hội để có thêm một đợt tăng hạn mức tín dụng nữa từ giờ cho đến hết năm là khá hạn chế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14% cho năm 2022 như kế hoạch từ đầu năm, tuy rằng trước đó đã có một số ý kiến đề xuất nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng hệ thống lên 15-16%.

Điều đó cho thấy sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trước những biến động và rủi ro có thể xảy ra, khi mà Fed chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuối năm nay và đồng USD tăng giá gây áp lực mạnh lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam và áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước muốn ngăn chặn cuộc chạy đua tăng lãi suất tiền gửi giữa các ngân hàng thương mại khi nhu cầu tín dụng trong nước đang rất mạnh mẽ hiện nay.

Tín dụng hệ thống đã tăng 9,91% so với đầu năm tính đến hết ngày 26/8, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (tăng 7,45% so với đầu năm). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm 0,47% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8.

Theo các chuyên gia, có thể thấy rằng tăng trưởng tín dụng đã và đang chậm lại một cách rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.

Hoàng Hà

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...