Xuất khẩu tăng trưởng cao, cả nước xuất siêu
Xuất khẩu hàng hoá đã tăng mạnh trong nửa cuối tháng 9, giúp cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về hướng xuất siêu.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 9/2021 (từ ngày 16-30/9) đạt 29,07 tỷ USD, tăng đến 17,9% (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng này.
Riêng kim ngạch xuất khẩu nửa cuối tháng 9 tăng tới 33,7% (tương ứng tăng 3,9 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 9/2021, đạt gần 15,47 tỷ USD. Đây là dấu hiệu khá lạc quan cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu đã có chiều hướng tăng trưởng trở lại sau nhiều tháng khó khăn do các phương án phòng, chống dịch.
Xuất khẩu đóng góp tích cực vào GDP 3 quý đầu năm |
Xuất khẩu hàng hoá đang có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 8 đến nay. Tuy nhiên tháng 9 có sự suy giảm thấp hơn. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu vẫn tăng. Đây là một trong những nguyên nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp
Nửa cuối tháng 9, xuất siêu đã trở lại với con số 1,87 tỷ USD.
Các nhóm hàng tăng trưởng ấn tượng trong nửa cuối tháng 9 là điện thoại các loại và linh kiện tăng 39,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 41,1%; sắt thép các loại tăng 86,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 21,9%...
Tính hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 483,82 tỷ USD, tăng 24,6% (tương ứng tăng 95,39 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, cán cân thương mại thâm hụt 2,55 tỷ USD.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi ta đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng ta có lợi thế. Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý III, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin, Thủ tướng yêu cầu, hiện nay do dư địa tăng trưởng không nhiều nên những yếu tố nào có thể tăng trưởng được thì phải tăng. Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt các FTA; tạo điều kiện về cải cách hành chính… để nâng kim ngạch xuất khẩu. Năm nay, Chính phủ giao tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4-5% nhưng Bộ Công thương dự báo khả năng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng trên 10%.
Về cán cân thương mại, mặc dù hiện nay cả nước đang nhập siêu, song mức nhập siêu chỉ tương đương 0,8% kim ngạch xuất nhập khẩu. Đây là con số không đáng lo. Bộ Công thương dự báo, nếu không có biến động lớn về kiểm soát dịch bệnh, 3 tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp các địa phương phía Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Cho nên kết thúc cả năm 2021, nhiều khả năng cán cân thương mại sẽ ở mức cân bằng. Còn nếu tình hình thuận lợi hơn, năm 2021, cả nước có thể xuất siêu.
Phương Lan