Vì sao trong xu thế chuyển dịch năng lượng, Trung Quốc vẫn cần đầu tư thêm nguồn điện than mới?
Theo các chuyên gia năng lượng: Trung Quốc cam kết “kiểm soát chặt chẽ” sản xuất điện than, nhưng thực tế lại khác. Điều ngược lại đã xảy ra: Công suất điện than mới của quốc gia này tiếp tục tăng kể từ khi năm 2021. Để bạn đọc hiểu thêm lý do, Tạp chí Năng lượng Việt Nam cập nhật những thông tin mới nhất từ các trang tin nước ngoài về chính sách phát triển điện than của quốc gia này để chúng ta cùng tham khảo.
Sản xuất điện than của Trung Quốc tăng, hay giảm?
Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở ở Phần Lan: Vào tháng 4/2021, Trung Quốc cam kết “kiểm soát chặt chẽ các dự án sản xuất điện đốt than”. Nhưng cũng kể từ đó, giấy phép của Chính phủ cho các nhà máy điện than mới lại tăng vọt.
Theo phân tích dữ liệu của Tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM): Trong hai năm trước khi cam kết được đưa ra, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt 127 nhà máy điện than có công suất 54 GW. Hai năm sau, con số trên tăng lên 182 nhà máy, với 131 GW. Tóm lại, công suất điện than mới của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2021.
Theo dữ liệu từ Chính phủ Trung Quốc, hiện nay điện than chiếm 60% tổng sản lượng điện toàn quốc. Công suất lắp đặt điện than tháng 9/2023 của Trung Quốc là 1.150 GW, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các cố vấn Chính phủ Trung Quốc khẳng định “chắc chắn” Bắc Kinh có thể đạt được các mục tiêu về khí hậu. Còn Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự đoán rằng, mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm tới. Tuy nhiên, việc sử dụng than khiến Trung Quốc - quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới không thể đáp ứng các cam kết đạt mức phát thải carbon dioxide trước năm 2030 và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.
Cũng phải nói thêm rằng, Trung Quốc là nước đi đầu trong cuộc đua công nghệ sạch toàn cầu. Các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo của nước này chiếm 55% tổng đầu tư toàn cầu vào năm 2022. Chỉ hai công ty Trung Quốc đã chiếm hơn một nửa thị trường pin xe điện toàn cầu và 60% doanh số bán ô tô điện vào năm 2022 là từ quốc gia này.
Trung Quốc cũng có các nhà máy điện mặt trời và năng lượng gió lớn nhất thế giới. Sự tăng trưởng nổi bật nhất là về năng lượng mặt trời. Chỉ riêng việc lắp đặt mới vào năm 2023 dự kiến sẽ tương đương gấp rưỡi tổng công suất lắp đặt năng lượng mặt trời hiện có của Hoa Kỳ. Điều quan trọng là sản lượng điện bổ sung dự kiến từ các nguồn năng lượng sạch được lắp đặt trong năm nay cao hơn mức tăng trung bình hàng năm trong nhu cầu điện của Trung Quốc, đánh dấu một “điểm nhấn” tiềm năng.
Bất chấp sự tăng trưởng nêu trên của năng lượng tái tạo, những lo ngại về tình trạng thiếu điện vào mùa hè năm 2022 đã thúc đẩy sự thay đổi chính sách năng lượng. Sự thiếu hụt được gây ra bởi một đợt hạn hán lịch sử dẫn đến sự suy sụp trong sản xuất thủy điện, cùng với đợt nắng nóng khiến nhu cầu điện cho điều hòa không khí tăng đột biến.
Tuy nhiên, lý do cơ bản của sự thiếu hụt là cách thức vận hành lưới điện của Trung Quốc được cho là cứng nhắc và lỗi thời. Tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tứ Xuyên ở phía Tây Nam phải tiếp tục bán điện sang các tỉnh xa xôi phía Đông theo những hợp đồng không linh hoạt trong khi phải phân phối điện tại địa phương mình. Trong một mạng lưới điện hoạt động tốt, hướng truyền tải dòng điện cần được điều chỉnh lại, với việc Tứ Xuyên mua điện và các tỉnh khác sẽ tăng cường bán điện... Theo đó, Chính phủ đã yêu cầu bổ sung công suất điện cao để tránh tình trạng thiếu hụt.
Vào năm 2022, các cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng của Trung Quốc đặt mục tiêu bắt đầu xây dựng 80 GW công suất điện than mới trong năm - tương đương với khoảng 80 nhà máy điện than lớn và 80 GW khác vào năm sau. Họ cũng thúc đẩy các công ty khai thác than có lợi nhuận đầu tư vào sản xuất điện than.
Theo một cuộc khảo sát của các chuyên gia về lĩnh vực năng lượng Trung Quốc của CREA: Khi đặt ra lượng khí thải carbon đạt đến đỉnh điểm vào năm 2030, nhiều quan chức và giám đốc điều hành Trung Quốc đang coi 5 năm tới là cơ hội để bổ sung công suất điện sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch. Sự thay đổi trong chính sách quốc gia đã tạo cơ hội cho chính quyền địa phương và các công ty điện lực đạt được các giấy phép mới. Các doanh nghiệp nhà nước có xu hướng ưu tiên thị phần hơn lợi nhuận nên chớp thời cơ. Trong khi đó, một số tỉnh tận dụng việc giảm bớt sự kiểm soát đối với điện than để tăng công suất và thúc đẩy hoạt động kinh tế địa phương.
Hiện nay, 209 nhà máy điện than mới đang được xây dựng, hoặc được cấp phép ở Trung Quốc, chiếm 72% công suất đã được cấp phép (nhưng chưa xây dựng) của thế giới và tương đương với công suất điện than của Ấn Độ sẽ được đầu tư trong vòng 5 năm tới. Quỹ đạo này vượt xa sự “phát triển phù hợp với khí hậu theo lộ trình” của IEA và các nhà lập mô hình năng lượng của Đại học Thanh Hoa khuyến nghị - cho rằng: “Công suất điện than của Trung Quốc sẽ phải ổn định trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2025 và sau đó sẽ giảm dần để nước này đáp ứng các cam kết về khí hậu”.
Cải thiện tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than:
Một diễn biến mới vừa được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) công bố ngày 10 tháng 11 vừa qua cho biết: Chính phủ Trung Quốc sẽ nâng cao vai trò hỗ trợ hệ thống của các nhà máy nhiệt điện than. Chương trình sẽ bắt đầu vào ngày 1 tháng 1 năm 2024. Thông báo trên của NDRC đồng nghĩa Trung Quốc sẽ đưa điện than vào vai trò hỗ trợ hệ thống khi nước này đang đầu tư lớn nhất thế giới về năng lượng điện tái tạo.
Theo chương trình trên, các chủ sở hữu nhà máy điện than sẽ nhận được các khoản thanh toán đảm bảo từ bên vận hành lưới điện dựa trên công suất lắp đặt các tổ máy của họ, một phần của chương trình đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định trên toàn quốc.
Cụ thể, NDRC cho biết: Các khoản thanh toán sẽ được tính dựa trên chi phí cố định tối đa là 330 nhân dân tệ (45,25 USD) cho mỗi kW công suất lắp đặt mỗi năm đối với các nhà máy điện than.
Theo NDRC, hầu hết các nhà máy điện than của Trung Quốc có thể thu hồi khoảng 30% chi phí vốn trong hai năm tới nhờ chương trình trên. Các khoản thanh toán sẽ đến từ khoản phí mà các nhà điều hành lưới điện quốc gia trả cho các nhà sản xuất điện than [LTS: Có thể hiểu đây là thành phần giá công suất được trả cho các tổ máy - nghĩa là giá hai thành phần]. Số tiền này sẽ được thu từ khách hàng sử dụng điện thương mại và công nghiệp thông qua một khoản phụ phí.
Từ chính sách này, nhà đầu tư điện than không chỉ có lợi khi bán điện, mà còn được hưởng lợi ngay cả khi nhà máy không vận hành. Các nhà phân tích năng lượng cho biết: Chính phủ Trung Quốc muốn đảm bảo khả năng tài chính của nhà đầu tư điện than khi họ phải chạy hỗ trợ năng lượng tái tạo trên khắp đất nước trong tương lai.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gắn liền với sự ổn định nguồn điện cung cấp cho các khu vực thương mại và công nghiệp. Do đó, việc duy trì các nhà máy điện than đáng tin cậy sẽ hỗ trợ tính linh hoạt, ổn định của lưới điện khi có nhiều nguồn điện không liên tục (như năng lượng gió, mặt trời) được thêm vào lưới.
Trong báo cáo mang tên Triển vọng Năng lượng Thế giới do IEA công bố cuối tháng 10/2023 cho biết: Đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, cùng với khả năng triển khai các dự án điện mặt trời của quốc gia này, kể cả về quy mô lớn và về năng lực sản xuất điện. Chính sách của Trung Quốc là cần phải phát triển thêm nguồn điện than (ít nhất là trong vài năm nữa) do sự biến đổi thất thường của năng lượng gió, mặt trời và hạn hán làm hạn chế sản lượng từ hệ thống thủy điện./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Link tham khảo:
1. https://www.powermag.com/china-will-guarantee-financial-support-for-coal-fired-power-plants/
2. https://foreignpolicy.com/2023/11/12/china-coal-climate-change-carbon-emissions-pledge-plants-apec/