|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trùng Khánh (Trung Quốc)- Thị trường hấp dẫn cho hàng hoá Việt Nam

Với nhu cầu lớn, có truyền thống giao thương và đặc biệt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sắp đi vào thực thi đã đưa Trùng Khánh nói riêng, Trung Quốc nói chung trở thành thị trường hấp dẫn cho hàng hoá Việt Nam.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp đứng ở vị trí thị trường lớn nhất của Việt Nam. 2 năm vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc đều đạt trên ngưỡng 100 tỷ USD. Việt Nam có quan hệ thương mại chặt chẽ với nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó thành phố Trùng Khánh - một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc và là đối tác thương mại hết sức quan trọng của Việt Nam.

Trong số các nước ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh, kim ngạch thương mại hai chiều chiếm gần 45% tổng kim ngạch thương mại của Trùng Khánh với ASEAN. Việt Nam và Trùng Khánh đang thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là logistics.

Năm 2020, bất chấp tác động của dịch Covid-19, thương mại giữa Việt Nam và Trùng Khánh vẫn đạt gần 7 tỷ USD, tăng gần 49,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Trùng khánh đạt 5,67 tỷ USD, tăng 48,8%, XK từ Trùng Khánh sang Việt Nam đạt 1,32 tỷ USD, tăng 53,9%.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện Trùng Khánh có nhu cầu lớn với mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Thành phố này nhập khẩu (NK) một lượng lớn mặt hàng thuỷ sản với tổng sản lượng trên 600.000 tấn/năm, chủ yếu là cá nước ngọt, thuỷ sản đông lạnh. Đồng thời NK nhiều loại quả như thanh long, dưa hấu, nhãn, bưởi… Các sản phẩm khác như cà phê, hoa quả sấy khô của Việt Nam hiện cũng đã có mặt tại các siêu thị uy tín của Trùng Khánh.

Trùng Khánh (Trung Quốc)- Thị trường hấp dẫn cho hàng hoá Việt Nam
Trùng Khánh (Trung Quốc) là thị trường nhiều tiềm năng cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam

Tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang Trung Quốc (Trùng Khánh) diễn ra ngày 25/11, bà Triệu Thúy Nga - Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh (Trung Quốc) - chia sẻ: Thị trường Trung Quốc nói chung, Trùng Khánh nói riêng đang có nhu cầu nhập khẩu lớn một số sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, như: Gạo, sắn và sản phẩm từ sắn, cao su, cà phê chế biến, quả, thuỷ hải sản. Tuy nhiên, hàng hoá từ Việt Nam nhập khẩu vào Trùng Khánh đang chịu sự cạnh tranh khá gay gắt, thương nhân Trùng Khánh có xu hướng mua hàng hoá, nhất là thuỷ sản, quả từ chợ đầu mối tại Quảng Đông với giá thành rẻ hơn hàng đưa từ Việt Nam sang.

Bà Triệu Thuý Nga cũng cho biết: Việc XK hàng hoá, nhất là nông sản, như: Gạo, bông, tiểu mạch, ngô, dầu cọ, dầu cải, đường… sang Trùng Khánh, doanh nghiệp trong nước cần đặc biệt lưu ý quy định về hạn ngạch NK. Những sản phẩm này XK trong hạn ngạch chỉ chịu thuế 1% nhưng nếu ngoài hạn ngạch thuế có thể lên tới 65 - 180%. Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách phân bổ hạn ngạch rất chặt chẽ nhằm bảo hộ và điều tiết thị trường trong nước.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo việc thực hiện quy định về quản lý giám sát an toàn thực phẩm đối với hàng hoá NK. Cụ thể là Lệnh 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm NK nước ngoài” và lệnh 249 “Giải pháp quản lý an toàn thực phẩm XNK”. Hai lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần gửi ngay hồ sơ tới các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành đăng ký và được cấp phép.

Trung Quốc thực hiện NK hàng hoá qua các cửa khẩu, cảng đã được chỉ định, để kiểm nghiệm kiểm dịch. Do vậy, hàng hoá, nhất là nông sản XK vào Trung Quốc cần phải đi đúng qua các cửa khẩu đã được chỉ định. Trùng Khánh có 4 cửa khẩu cấp 1, bao gồm 2 cửa khẩu mở chính thức và 2 cửa khẩu mở tạm thời, hàng hoá được chỉ định NK, gồm: Thịt, lương thực, quả, thuỷ sản tươi và đông lạnh, động vật thuỷ sinh làm thức ăn, giống cây thực vật. Riêng cửa khẩu đường sắt Trùng Khánh được chỉ định NK xe ô tô nguyên chiếc, dược phẩm…

Để gia tăng XK hàng hoá, nhất là nông sản sang thị trường Trung Quốc, Trùng Khánh, đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh - khuyến cáo: Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, chính sách XNK, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của các địa phương Trung Quốc; có nhân lực am hiểu tiếng Trung Quốc để thực hiện công tác giao dịch; thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm cơ hội giao thương.

Trao đổi với doanh nghiệp tại phiên tư vấn, bà Triệu Thuý Nga - thông tin: Tuyến đường sắt kết nối Trung - Âu của Trung Quốc đã đi vào vận hành. Việt Nam cũng đã ký kết với Trung Quốc để mở tuyến vận tải liên vận đi châu Âu. Từ Hà Nội qua ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), tới Bằng Tường - Trùng Khánh, từ đó đi tiếp tới các nước châu Âu, điểm cuối cùng là Đức. “Việc kết nối qua tuyến đường sắt này rất thuận lợi, doanh nghiệp có thể tận dụng để đưa hàng hoá qua Trung Quốc và châu Âu”, bà Triệu Thuý Nga nhấn mạnh.

Khẳng định, không chỉ nông sản, Trùng Khánh còn có tiềm năng giao thương về các sản phẩm công nghiệp, ông Tiền Triệu Cương - Chủ tịch Hiệp hội XNK Trùng Khánh - cho biết: Trùng Khánh là cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp lớn nhất ở miền tây Trung Quốc. Theo phân loại, thế giới có 40 loại sản phẩm công nghiệp chính, Trùng Khánh sản xuất được 39 loại. Doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nên chú ý tới sản phẩm cơ điện của Trùng Khánh bởi giá thành rẻ, giá trị sử dụng cao.

“Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh là thị trường ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn nữa. Hiệp hội XNK Trùng Khánh cũng đã tổ chức nhiều sự kiện giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trùng Khánh để gia tăng mối quan hệ, mở rộng mạng lưới kinh doanh”, ông Tiền Triệu Cương cho hay.

Việt Nga


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết