|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng công ty Điện lực miền Trung - Hành trình 49 năm xây dựng và phát triển

Cách đây vừa tròn 49 năm, ngày 7/10/1975, sau khi miền Nam được giải phóng, Bộ trưởng Bộ Điện và Than ký Quyết định thành lập Công ty Điện lực miền Trung (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung). Trong hành trình 49 năm qua, Tổng công ty Điện lực miền Trung luôn tự hào đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, bảo đảm sứ mệnh cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tổng công ty Điện lực miền Trung - EVNCPC (tiền thân là Công ty Điện lực miền Trung) được Bộ trưởng Bộ Điện và Than ký quyết định thành lập số 1867 QĐ/TCCB-3 ngày 07/10/1975, gồm các cơ sở điện lực do chính quyền Sài Gòn xây dựng, của SIPEA do Pháp quản lý, Nhà máy điện Quảng Trị thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Nhà máy điện Quảng Bình của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; có nhiệm vụ sản xuất, truyền tải, kinh doanh điện năng và quản lý đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên.

Khúc ruột miền Trung là vùng chiến tranh suốt 30 năm nên không có công trình điện quy mô lớn nào được xây dựng mà chỉ có các cơ sở điện lực nhỏ bé, phân tán phục vụ ánh sáng đô thị và nhu cầu khu quân sự.

Ngay khi mới thành lập, Điện lực miền Trung đã rơi vào thế yếu kém, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, sản lượng điện thương phẩm chưa đầy 100 triệu kWh vào năm 1976.

Những năm từ 1976 đến 1985, điện miền Trung cực kỳ khó khăn, luôn chống đỡ trước tình hình thiếu điện ngày càng nghiêm trọng. Vốn đầu tư ít ỏi, chỉ bằng 3,4% vốn đầu tư của ngành điện lực toàn quốc, không đủ để tăng cường cơ sở vật chất nguồn, lưới điện nhằm cân đối với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực.

Giai đoạn này, Điện lực miền Trung đã xây dựng đưa vào hoạt động Nhà máy điện Đồng Hới (14 MW), còn lại tập trung tiếp nhận, lắp đặt các tổ máy phát điện Diesel được điều động từ miền Nam ra, miền Bắc vào, phục hồi các máy hỏng hiện có, nhưng cũng chỉ đủ để bổ sung cho các máy đã hỏng phải thanh lý qua các năm.

Các nguồn điện như Nhiệt điện Bồng Sơn (20 MW), Nhiệt điện Đà Nẵng (120 MW) chuẩn bị xây dựng rồi huỷ bỏ, Thuỷ điện Drây H’linh (12 MW) mới trong giai đoạn đầu xây dựng.

Về lưới điện, đã xây dựng mới đường dây 35 kV Huế - Đồng Hới và một số đường dây15 kV, cải tạo sửa chữa lưới điện trong các khu vực thành phố, thị xã đã quá tải, rách nát nhưng khối lượng không nhiều. Đường dây 110 kV Đồng Hới - Huế chuẩn bị bước đầu xây dựng.

Do vốn đầu tư quá ít nên các công trình phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi, các phương tiện quản lý, thí nghiệm hầu như không được xây dựng, trang bị được bao nhiêu. Công tác sản xuất cung ứng điện luôn bị động, phải thực hiện lịch đóng cắt điện luân phiên. Do thiếu nguồn nên rất hạn chế trong việc cấp điện cho phụ tải mới, kìm hãm sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân lúc bấy giờ.

Năm 1981, Bộ Điện lực có Quyết định số 15 ĐL/TCCB-3 ngày 09/5/1981 đổi tên Công ty Điện lực miền Trung thành Công ty Điện lực 3.

Qua thời gian dài phấn đấu, những người làm điện ở miền Trung đã bỏ ra nhiều công sức, vất vả, gian khổ nhưng vẫn chưa đưa miền Trung thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện, mà tình trạng này ngày càng trở nên gay gắt hơn và còn kéo dài đến những năm 1987-1988.

Trong lúc chưa hình thành một phương án chủ yếu để giải quyết điện cho miền Trung thì tháng 2/1988, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định ngừng thi công công trình Nhiệt điện Đà Nẵng, càng gây tâm lý căng thẳng vốn có từ trước do thiếu điện trên địa bàn. Trước nỗi bức xúc đó, nhiều lần Công ty Điện lực 3 đã tổ chức hội nghị với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên để đánh giá tình hình và cùng kiến nghị lên Bộ Năng lượng, Hội đồng Bộ trưởng, đề nghị giải quyết nhanh chóng các phương án cung cấp điện trước mắt cũng như lâu dài cho miền Trung.

Với đề xuất của Giám đốc Công ty Điện lực 3 lúc bấy giờ, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã xác định với lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố miền Trung gồm 3 giải pháp: Củng cố, tăng cường nguồn điện hiện có; Kéo lưới điện truyền tải từ Nam ra, Bắc vào; xây dựng tại chỗ các nhà máy điện có công suất đủ mạnh, trước mắt tập trung xây dựng công trình Thuỷ điện Ialy (720 MW) để phục vụ nhu cầu tại chỗ, đồng thời tham gia vào lưới Bắc - Nam, làm cầu nối cho lưới điện thống nhất cả nước.

Theo 3 giải pháp cơ bản đó, từ năm 1988 đến 1990, nguồn điện tại miền Trung đã được bổ sung 74 tổ máy diezel, tăng 69 MW. Đường dây 220 - 110 kV Vinh - Đà Nẵng được khởi công từ tháng 11/1987 đến tháng 8/1990 hoàn thành, đưa điện Hoà Bình vào cung cấp cho 4 tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Tháng 1/1992 điện lưới phía Bắc tiếp tục vào Quảng Ngãi. Tháng 4/1992, đóng điện đường dây 110 kV Đa Nhim - Nha Trang. Tháng 8/1993, cấp điện cho tỉnh Bình Định. Tháng 1/1994 đóng điện đường dây 110 kV Nha Trang - Tuy Hoà, đưa điện từ Đa Nhim ra cung cấp cho tỉnh Phú Yên.

Song song với việc xây dựng các đường dây và trạm 220, 110 kV, đường dây 500 kV - một công trình lịch sử của đất nước được khởi công tháng 4/1992 đến tháng 5/1994 hoàn thành giai đoạn 1. Vào lúc 19 giờ 7 phút ngày 27/5/1994 hệ thống điện quốc gia đã được hoà điện tại trạm 500 kV Đà Nẵng đưa điện từ Hoà Bình vào TP Hồ Chí Minh và đến ngày 19/9/1994 miền Trung được nhận điện từ hệ thống điện quốc gia qua trạm 500 kV Đà Nẵng. Ngày 12/11/1994 trạm 500 kV Pleiku, đường dây và trạm 220 - 110 kV Quy Nhơn - Pleiku cũng đã hoàn thành, các tỉnh Tây Nguyên, Nam miền Trung nhận điện qua trạm 500 kV Pleiku.

Về nguồn thuỷ điện, đã hoàn thành Nhà máy Thuỷ điện Đrây H’Linh (9/1990), An Điềm (9/1991), Vĩnh Sơn (11/1994), khởi công Nhà máy Ialy (tháng 11/1993).

Có thể nói, trong giai đoạn này, cả miền Trung như một đại công trường hừng hực khí thế xây dựng. Những công trình điện nối tiếp hình thành, thắp sáng những bản, làng, thôn xóm miền Trung. Đặc biệt từ công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam, miền Trung được kết nối vào hệ thống điện quốc gia, khơi thông dòng năng lượng điện xuyên suốt 3 miền và tạo động lực quan trọng cho tiến trình điện khí hóa nông thôn miền Trung - Tây Nguyên.

Năm 1993, Công ty Điện lực 3 được Chính phủ thành lập lại, trực thuộc Bộ Năng lượng. Giai đoạn này, hệ thống nguồn, lưới điện, cơ sở vật chất khác được mở rộng, nâng cấp mạnh mẽ; đã đáp ứng cơ bản điện cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trở thành nguồn động lực quan trọng giúp các địa phương miền Trung phát triển.

Năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam được thành lập, Công ty Điện lực 3 được chuyển từ Bộ Năng lượng về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, đồng thời nhiều đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực 3 đã được chuyển về trực thuộc Tổng công ty. Giai đoạn này, một số đơn vị được chuyển thành Công ty cổ phần; trong đó, năm 2005 Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Công ty CP Cơ điện miền Trung chuyển về trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.

Năm 2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thành lập; Điện lực Đà Nẵng được tách ra trở thành Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng trực thuộc Tập đoàn.

Đến cuối năm 2009, Công ty Điện lực 3 có 18 đơn vị trực thuộc gồm: 11 điện lực, 3 trung tâm, 2 ban quản lý dự án, 1 xí nghiệp điện cao thế miền Trung và Viện điều dưỡng.

Thực hiện chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp ngành điện, ngày 12/01/2010, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 60/TTg-ĐMDN về việc thành lập các Tổng công ty Quản lý phân phối điện trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 5/2/2010 Bộ Công thương ra Quyết định số 739/QĐ-BCT thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực miền Trung (tên viết tắt là EVNCPC) trên cơ sở chuyển đổi mô hình hoạt động của Công ty Điện lực 3 và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng và Công ty CP Điện lực Khánh Hòa, gồm 18 đơn vị trực thuộc, 3 công ty con và 6 công ty liên kết.

Kế thừa và phát huy thành tựu của 49 năm qua, EVNCPC không ngừng phát triển lớn mạnh. Hệ thống lưới điện các cấp điện áp từ 110 kV trở xuống đã vươn dài đến các địa phương, đã có 100% số huyện, 100% số xã đất liền, 99,71% số hộ nông thôn, miền núi được sử dụng điện lưới. Số khách hàng sử dụng điện hơn 4,7 triệu khách hàng.

Nhằm giảm thiểu tỷ lệ điện dùng truyền tải, phân phối EVNCPC đã thực hiện nhiều dự án cải tạo lưới điện các thành phố, thị xã bằng nguồn vốn của mình và nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng quốc tế như: WB, ADB, Sida, KfW...

Tại các khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung, EVNCPC đầu tư cả hệ thống lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp cho các nhà máy, vừa giảm nhẹ gánh nặng cho nhà đầu tư, góp phần thu hút đầu tư vừa mang lại hiệu quả trực tiếp cho EVNCPC.

Với khu vực nông thôn, miền núi, EVNCPC đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển điện từ nhiều nhiều nguồn vốn khác nhau như: Vốn trong nước, tài trợ của WB, EDF, ADB, JBIC, KfW… nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

Đặc biệt, năm 2007, EVNCPC triển khai thực hiện dự án cấp điện các thôn buôn chưa có điện các tỉnh Tây Nguyên. Dự án hoàn thành vào cuối năm 2009, cấp điện cho trên 62.646 hộ đồng bào các tỉnh Tây Nguyên được sử dụng điện. Đây là một dự án nhóm A có qui mô trải rộng trên địa bàn của 43 huyện, thị xã, 852 thôn, buôn nhưng được đánh giá là dự án có tiến độ nhanh, đáp ứng cơ bản tiến độ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14/10/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 7609/QĐ-BCT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm”. EVNCPC được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án.

Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 678,7 tỷ đồng; quy mô gồm: Xây dựng 8.746 mét đường dây 22 kV trên không thuộc địa phận huyện Bình Sơn; 26.219 mét cáp ngầm 22 kV xuyên biển. Trên đảo Lý Sơn, quy mô gồm 7,4 km đường dây 22 kV; 8,5 km đường dây 0,4 kV; 15 TBA với tổng dung lượng 3.330 kVA. Ngày 28/9/2014, Thủ tướng Chính phủ chính thức đóng cầu dao khánh thành đưa dự án vào sử dụng, đáp ứng sự kỳ vọng, mong mỏi của trên 22 ngàn người dân trên đảo Lý Sơn.

Tiếp đó là các dự cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam bằng cáp; dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển cho xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn, Bình Định. Đối với huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, EVNCPC tiếp nhận bàn giao, quản lý vận hành cung cấp điện từ ngày 10/8/2017. Hiện nay, tại đảo Cồn Cỏ có 4 máy phát điện diesel (2x500 kVA + 2x100 kVA) đảm bảo cung cấp điện 24/24 giờ, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Có thể nói, việc hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho các huyện đảo, xã đảo trên địa bàn là một trong những thành công quan trọng của EVNCPC thời gian qua.

Trong những năm qua, Tổng công ty luôn quan tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; đã tổ chức xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008. Tổng công ty đã ứng dụng công nghệ sửa chữa thiết bị điện và lưới điện đang mang điện (sửa chữa hotline); đưa vào hoạt động Trung tâm điều khiển xa lưới điện 110 kV tại 13/13 Công ty Điện lực; 100% trạm biến áp 110 kV đã chuyển sang hoạt động không người trực. EVNCPC đã chỉ đạo nghiên cứu, sản xuất thành công công tơ điện tử và phát triển các công nghệ đo đếm hiện đại, tự động, có thể thực hiện từ xa. EVNCPC đã tự sản xuất thành công trạm sạc xe điện, một bước tiến trong việc thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo, hỗ trợ người tiêu dùng nghiên cứu sử dụng ôtô điện, chung tay bảo vệ môi trường.

EVNCPC là đơn vị đầu tiên trong 5 Tổng công ty Điện lực đã triển khai chính thức dịch vụ điện điện tử cho 100% Công ty Điện lực thành viên (từ ngày 14/10/2019), áp dụng chữ ký số trong tất cả các dịch vụ điện cho doanh nghiệp, và xác thực bằng mã OTP cho khách hàng cá nhân. Đồng thời, mức độ tự động hóa lưới điện ngày càng cao, 100% Công ty Điện lực có hệ thống SCADA và Trung tâm điều khiển, thao tác xa; 100% thiết bị phân đoạn có khả năng kết nối SCADA đã được kết nối về trung tâm điều khiển; 100% khách hàng lắp công tơ điện tử.

Tổng công ty còn có các cơ sở sản xuất công tơ điện tử, phần mềm phục vụ công nghệ đo đếm điện từ xa, thực hiện các dịch vụ tin học, phần mềm quản lý, bo mạch điện tử; các dịch vụ tư vấn khảo sát, thiết kế, thí nghiệm, sửa chữa, sản xuất, gia công cơ khí, cung cấp và vận chuyển vật tư chuyên ngành điện; thi công xây lắp các công trình điện… mang lại hiệu quả.

Trong hoạt động quản lý điều hành, EVNCPC đã hoàn thiện Văn phòng điện tử, với ứng dụng CPC-eOffice 7.0 và D-Office, tin học hóa tất cả các khâu ban hành văn bản, xử lý và ký số văn bản mọi lúc mọi nơi bằng thiết bị thông minh cầm tay.

Năm 2021, EVNCPC được Tập đoàn Điện lực Singapore đánh giá và xếp thứ 5 khu vực ASEAN và đứng thứ 59/86 công ty điện lực thuộc 37 quốc gia trên thế giới về chỉ số lưới điện thông minh; năm 2022, EVNCPC đứng thứ 66/94 công ty điện lực thuộc 39 quốc gia trên thế giới.

Với phương châm thu hút khách hàng tham gia các kênh giao tiếp số và làm hài lòng khách hàng trên các kênh giao tiếp số, EVNCPC luôn nỗ lực sáng tạo các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) vì lợi ích khách hàng; năm 2022, EVNCPC đã vinh dự nhận Giải thưởng CĐS Việt Nam - Vietnam Digital Awards với giải pháp “Tự động thu thập và cung cấp, cảnh báo và tư vấn thông tin sử dụng điện cho khách hàng”, thuộc nhóm các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số vì cộng đồng.

Năm 2023, EVNCPC được Fitch Ratings xếp hạng “BB” với triển vọng tích cực. Đạt xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings là thước đo độc lập, khách quan về “sức khỏe” doanh nghiệp, góp phần củng cố uy tín của Tổng công ty Điện lực miền Trung với các đối tác trong và ngoài nước, thuận lợi cho công tác đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cung ứng điện của EVNCPC.

Những năm qua, EVNCPC đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy thuỷ điện và điện năng lượng tái tạo, EVNCPC đã xây dựng thành công, đưa vào vận hành 10 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất 347,7 MW với tổng sản lượng điện phát ra hàng năm trên 1,4 tỷ kWh.

EVNCPC hiện đang có một đội ngũ quản lý giỏi, lực lượng kỹ sư, công nhân lành nghề, có trách nhiệm và tận tuỵ với công việc, với tổng số trên 11.500 CBCNV.

Tổng công ty quan tâm đảm bảo việc làm cho người lao động, đời sống vật chất tinh thần của CBCNV từng bước được cải thiện; đã nghiên cứu, vận dụng các chế độ chính sách nhà nước, của các cấp trên, xây dựng và ban hành các qui chế, qui định cụ thể về phân phối tiền lương, tiền thưởng và thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động và tổ chức thêm một số loại hình sản xuất, dịch vụ khác nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho CBCNV.

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, từ Tổng công ty đến các đơn vị đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác xã hội… Tổng số tiền tham gia công tác xã hội của toàn Tổng công ty mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng. Trong các năm từ 2020 đến 2023, Tổng công ty đã tặng 13 tỉnh, thành phố trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên 286 căn nhà tình nghĩa; tích cực đóng góp ủng hộ Quỹ Tấm lòng vàng; xây dựng công trình điện chiếu sáng nông thôn; ủng hộ cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

Ngoài ra, Tổng công ty còn phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức tặng quà cho 500 học sinh vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Bình; trao tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại trong bão lụt; trao tặng bò giống cho cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Kon Tum; hỗ trợ chi phí tôn tạo Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa Trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Triệu Phong và Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; trao tặng 250 triệu đồng cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng và Bếp ăn từ thiện của bệnh viện.

Trong 2 năm (2019, 2020), Tổng công ty đã lắp đặt và trao tặng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cho 8 trường học tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đăk Nông với số tiền 2 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn Tổng công ty đã đóng góp 34,745 tỷ đồng ủng hộ quỹ vắc xin phòng chống đại dịch Covid-19 và các hoạt động an sinh xã hội khác tại thành phố Đà Nẵng và các địa phương.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn EVNCPC đã chi gần 22 tỷ đồng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội; trong đó, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa hơn 4,3 tỷ đồng, hỗ trợ đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai sau bão số 3 hơn 8,7 tỷ đồng. Chung tay cùng Tổng công ty Điện lực miền Bắc khẩn trương khắc phục sự cố lưới điện sau bão số 3, EVNCPC còn cử 274 kỹ sư, công nhân lành nghề khẩn trương lên đường hỗ trợ đơn vị bạn ngay sau bão, nỗ lực sớm khôi phục cấp điện phục vụ nhân dân. Với những nỗ lực này, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen về thành tích trong công tác khắc phục lưới điện sau bão số 3.

Trong quá trình thực hiện hoạt động, EVNCPC luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đồng hành cùng các đơn vị bạn trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chung. Trong đợt cao điểm thi công đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) để hoàn thành kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVNCPC đã cử hơn 400 người là các kỹ sư, công nhân điện, công nhân lái xe từ 13 Công ty Điện lực và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung xung kích tham gia hỗ trợ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện dự án.

Vinh dự, tự hào với truyền thống vẻ vang của Công ty Điện lực miền Trung (tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Trung) trong 49 năm qua, tập thể lãnh đạo và CBCNV quyết tâm phấn đấu, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần kiệm, nỗ lực hăng say lao động để xây dựng Tổng công ty, xây dựng ngành điện ngày càng vững mạnh, phục vụ tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống nhân dân trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NA

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết