Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022
Hội Truyền thông số Việt Nam vừa phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022".
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Fanpage của Câu lạc bộ Cafe số (Hội Truyền thông số Việt Nam), Fanpage của EVN và Fanpage của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, ông Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam nhận định, trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế, sản xuất có những dấu hiệu dần hồi phục và tăng tốc thì tiêu thụ điện cũng theo đó tăng lên. Nhu cầu điện cho nền kinh tế đang phục hồi là bài toán đặt ra cho các nhà quản lý và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng 2022”
Căn cứ vào dự báo phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, để đạt được tăng trưởng kinh tế GDP từ 6 đến 6,5%, đồng thời chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lấy lại đà tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, EVN đã xây dựng hai kịch bản tăng trưởng phụ tải điện. Trong đó, kịch bản cơ sở, tăng trưởng điện ở mức 8,3% tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 275,5 tỷ kWh; kịch bản cao tăng trưởng 12,4%, tương đương sản lượng điện đạt 286 tỷ kWh.
Để đáp ứng nhu cầu điện theo hai kịch bản tăng trưởng này, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, từ quý IV/2021, EVN đã chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các nhà máy BOT, nhà máy điện độc lập, đề nghị các đối tác rà soát, vận hành bảo dưỡng để đảm bảo vận hành hệ thống điện cao nhất ngay từ đầu năm.
Đồng thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo chương trình xả nước đổ ải Đông - Xuân, làm việc với các tỉnh, thành phố liên quan dọc tuyến sông Hồng để có kế hoạch lấy nước và tiết kiệm nguồn nước cao nhất; đảm bảo các nguồn cung nhiên liệu dự phòng cho các nhà máy điện than, nhiệt điện chạy dầu sẵn sàng đảm bảo vận hành.
Tuy nhiên, ông Lâm cho biết thêm, khó khăn lớn nhất là vào thời điểm năm 2021, lượng thủy văn suy giảm bất thường so với nhiều năm. Các hồ thủy điện lớn trên sông Đà đều có mức tích nước được dưới mực nước dâng bình thường từ 2 - 4m. Bên cạnh đó, vấn đề về than cũng là một khó khăn lớn. Sau đại dịch COVID-19, nhu cầu sử dụng than lại tăng trở lại trong khi năng lực sản xuất than của các quốc gia trên thế giới giảm sút. Điều này cũng mang đến áp lực trong việc đảm bảo than cho các nhà máy điện của nước ta.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng cho rằng, bối cảnh nhu cầu năng lượng của nền kinh tế tăng cao để phục hồi sau đại địch, tình hình thế giới nhiều biến động về giá cung, nguồn cung năng lượng sơ cấp khan hiếm đặt ra nhiều thách thức về nguồn cung, giá nhiên liệu.
Ông Trịnh Quốc Vũ cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu tiết kiệm năng lượng đề ra trong Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 phải triển khai mạnh mẽ các giáp pháp từ trung ương đến địa phương, trong đó có việc đẩy mạnh thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cùng với đó là giải pháp tài chính để hỗ trợ các dự án đầu tư công nghệ, thay thế dây chuyền thiết bị công nghệ, hiệu quả năng lượng cao. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tuyên truyền, nâng cao năng lực, trình độ thông qua hoạt động đào tạo cho các đơn vị sử dụng năng lượng... thúc đẩy mô hình phát triển thị trường năng lượng.
Nhân viên ngành điện tuyên truyền tiết kiệm điện cho doanh nghiệp
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho rằng, việc tuyên truyền tiết kiệm điện cho doanh nghiệp, người dân đã được thực hiện rất nhiều năm thông qua các phong trào, chiến dịch, chương trình... Tuy nhiên, theo đánh giá của EVN, hiệu quả của các chương trình này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Trong thời gian tới, theo ông Lâm, EVN sẽ tập trung vào các giải pháp căn cơ như: hoàn thiện cơ chế chính sách, thay đổi việc chỉ khuyến khích người dân, doanh nghiệp thì phải chuyển sang cơ chế bắt buộc và phải được Luật hóa. Bên cạnh đó, phải có cơ chế về tài chính để xã hội hóa được việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tạo đòn bẩy kinh tế cho người dân, doanh nghiệp mong muốn, có khả năng thì họ có đủ tiềm lực tham gia. Ngoài ra, cơ chế về giá điện cần thay đổi, phải linh hoạt hơn rất nhiều so với cơ chế hiện nay.
Đức Dũng