Thổ Nhĩ Kỳ muốn khẳng định vai trò trong khai thác dầu khí của Syria
Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi tín hiệu rằng nước này muốn tham gia vào việc khôi phục khai thác dầu khí ở Syria, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Alparslan Bayraktar.
Ảnh: OP |
Phát biểu trước giới truyền thông, Bộ trưởng Alparslan Bayraktar cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực giúp Syria cung cấp điện, đồng thời nói thêm rằng việc mở rộng vai trò này sang dầu khí cũng đang được cân nhắc.
"Chúng tôi cũng đang nghiên cứu việc sử dụng dầu thô và khí đốt tự nhiên để tái thiết Syria. Chúng tôi dự định thông báo với các đối tác của mình về cách chúng tôi có thể đóng góp theo nghĩa đó. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển các dự án này", ông Bayraktar cho biết.
Bộ trưởng Bayraktar cũng nói về kế hoạch xây dựng các đường ống dẫn dầu khí mới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Syria đang phải vật lộn với hoạt động khai thác dầu khí của mình do lệnh trừng phạt của Mỹ và trong bối cảnh giao tranh liên tục với các nhóm phiến quân. Các nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của nước này là Iran và Iraq. Tuy nhiên, sau cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Assad vào đầu tháng này, nguồn cung dầu thô từ Iran đã chấm dứt, khi một tàu chở dầu thậm chí đã quay đầu trên đường đến bờ biển Syria sau tin tức về sự thay đổi quyền lực ở Syria.
Iran đã xuất khẩu khoảng 60.000 thùng dầu mỗi ngày sang Syria. Sản lượng dầu của riêng quốc gia này là khoảng 80.000 thùng mỗi ngày, tất cả đều từ miền Đông Syria, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria liên kết với người Kurd.
Iraq cũng đã dừng việc giao dầu cho Syria, bắt đầu từ đầu tháng 12, một thành viên quốc hội Iraq tuyên bố với giới truyền thông vào đầu tuần trước. Trước đó, Syria đã nhập khẩu khoảng 120.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ Iraq và hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung do quyết định của chính quyền Iraq.
Tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn do việc dừng giao dầu thô nội bộ từ miền Đông Syria, do Lực lượng Dân chủ Syria kiểm soát, đến khu vực còn lại của Syria, nơi nằm dưới sự kiểm soát của nhóm Hay'at Tahrir al-Sham, trước đây được cộng đồng quốc tế coi là một nhóm khủng bố, được Al Qaeda hậu thuẫn.
Bình An