Singapore sẽ nhập 1,2 GW điện sạch từ Việt Nam
Singapore vừa cấp phép nhập khẩu 1,2 GW điện carbon thấp, chủ yếu là điện gió, từ Việt Nam.
Tại Tuần lễ năng lượng quốc tế Singapore ngày 24/10, Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng cho biết, Cơ quan thị trường năng lượng (EMA) đã cấp phép có điều kiện để Sembcorp Utilities nhập khẩu điện từ Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC).
Lượng điện nhập khẩu từ Việt Nam được truyền tải qua tuyến cáp ngầm mới chiều dài 1.000 km, có thể đáp ứng 10% nhu cầu hàng năm của Singapore. Trước đó, đảo quốc này đã có các thỏa thuận tương tự để nhập khẩu điện sạch từ Indonesia (2GW) và Campuchia (1GW).
Như vậy, điện nhập khẩu sẽ chiếm khoảng 30% tổng nguồn năng lượng của Singapore vào 2035. Điều này nhằm góp phần giúp nước này đạt phát thải ròng CO2 bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050 theo như cam kết của Chính phủ.
Sembcorp cho biết, việc mua điện có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2033, tùy vào sự chấp thuận của chính quyền. Sembcorp và PTSC sẽ bắt tay vào phát triển đề xuất dự án và nỗ lực đạt được giấy phép có điều kiện và giấy phép nhập khẩu từ EMA, cũng như giấy phép xuất khẩu từ Việt Nam.
Ảnh minh họa
Trước đó, ngày 10/2, nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính, PTSC và Sembcorp đã ký và trao thỏa thuận phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi Việt Nam. Cả hai sẽ hợp tác theo hình thức độc quyền để đầu tư dự án sản xuất khoảng 2,3 GW điện và xuất khẩu qua tuyến cáp cao áp ngầm dưới biển, đáp ứng nhu cầu điện sạch từ năm 2030 của Singapore.
Đến ngày 29/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trao giấy phép khảo sát cho PTSC để quan trắc, điều tra, khảo sát đánh giá tài nguyên biển. Phía Sembcorp Utilities cũng được Bộ Công Thương Singapore trao ý định thư chấp thuận dự án.
Các khu vực được liên doanh khảo sát điện gió nằm ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực biển số 1 gồm 2 khu với diện tích được sử dụng là 89.027 ha, độ sâu được sử dụng từ 20 - 35m (theo hệ độ cao Hòn Dấu). Khu vực biển số 2 gồm 2 khu có diện tích 98.897 ha, độ sâu được sử dụng từ 50 - 65m (theo hệ tọa độ Hòn Dấu).
Điện tái tạo (điện gió, mặt trời) là một trong những nguồn cung cấp điện tại Việt Nam, bên cạnh nhiệt điện, thủy điện, turbin khí... Tháng 5/2023, nguồn điện này chiếm 9% trong cơ cấu điện miền Bắc và 40,1% tại miền Nam. Sản lượng phát từ nguồn năng lượng tái tạo đến hết tháng 9/2023 là 29,13 tỷ kWh (tương đương gần 14% sản lượng huy động các nguồn điện), trong đó 70% là điện mặt trời và 30% điện gió.
Tại Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 5, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 21.880 MW công suất điện gió trên bờ vào 2030; điện gió ngoài khơi là 6.000 MW và tăng lên 70.000 - 91.500 MW vào 2050.