|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 1/2023 giảm 12,5%

Theo báo cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 1/2023 diễn ra kỳ nghỉ Tết nên mức tiêu thụ điện trên cả nước giảm. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 1/2023 đạt 18,36 tỷ kWh, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như sau: 

Thủy điện đạt 5,5 tỷ kWh, chiếm 30%. 

Nhiệt điện than đạt 7,58 tỷ kWh, chiếm 41,3%.

Tuabin khí đạt 1,88 tỷ kWh, chiếm 10,2%.

Năng lượng tái tạo đạt 2,98 tỷ kWh, chiếm 16,2% (trong đó điện mặt trời đạt 1,7 tỷ kWh; điện gió đạt 1,21 tỷ kWh).

Điện nhập khẩu đạt 368 triệu kWh, chiếm 2,1%.

Trong tháng 1 năm 2023, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 6,79 tỷ kWh, chiếm 36,98% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.

EVN cũng đã tổ chức vận hành tối đa các Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung nguồn nước theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời bảo đảm cung cấp điện cho các trạm bơm và bơm nội đồng hoạt động phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023 cho các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ. 

Tính cả 2 đợt lấy nước đổ ải (12 ngày), tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện là 3,62 tỷ m3, tiết kiệm được 1,14 tỷ m3 nước so với kế hoạch. Tổng diện tích đã lấy được nước là 476.297 ha/498.359 ha, đạt 95,6% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Các diện tích chưa lấy đủ nước sẽ tiếp tục được địa phương cấp nước bằng trạm bơm dã chiến.

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 1/2023 giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022

Công tác đầu tư xây dựng: trong tháng 1 năm 2023, EVN và các đơn vị đã khởi công 1 công trình 110kV; hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 6 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV.

Công tác chuyển đổi số: các đơn vị trong toàn EVN đã hoàn thành 96,97% kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi số trong 2 năm 2021 - 2022, trong đó có một số lĩnh vực đã hoàn thành với tỷ lệ cao như quản trị nội bộ (99,9%), kinh doanh và dịch vụ khách hàng (100%), đầu tư xây dựng (100%), sản xuất (95,93%). 

Do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.

Theo EVN, mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 2/2023 là: tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân. Đồng thời, để giảm bớt những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm…

Về đầu tư xây dựng: đối với các dự án lưới điện, tập trung hoàn thành đóng điện đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương; hoàn thành đóng điện các công trình trạm cắt Bờ Y và đấu nối, mở rộng trạm biến áp 220kV Phước Thái và các đường dây 110kV đấu nối.

Đồng thời, hoàn thành công tác giải tỏa hành lang tuyến của đường dây 220kV đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Quang; hoàn thành các dự án nâng khả năng tải các đường dây khu vực Tây Bắc, tăng cường khả năng giải tỏa nguồn thủy điện Tây Bắc; hoàn thành các nhánh 110kV đấu nối trạm biến áp 220kV Bắc Quang, nâng khả năng tải đường dây 110kV Lào Cai - Cốc Xan, mạch 2 đường dây 110kV Than Uyên - trạm biến áp 220kV Than Uyên tăng cường khả năng giải tỏa nguồn thủy điện nhỏ, hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phụ tải miền Bắc trong mùa nắng nóng...

Đình Tú


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết