|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý công trình trong 'mùa dịch': Chuyện bây giờ mới kể

Để mỗi công trình vẫn bám sát tiến độ kế hoạch ngay cả trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch bệnh, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những người làm công tác quản lý dự án. Những "kỷ niệm mùa dịch" hay tình huống "dở khóc dở cười" mà CBNV Ban Quản lý dự án lưới điện thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc chia sẻ với evn.com.vn là những "lát cắt" như thế.

Gian nan gấp bội

Anh Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Quản lý công trình 1 chia sẻ, dịch bệnh COVID-19 khiến những khó khăn trong công tác quản lý dự án lưới điện vốn đã "muôn trùng", lại càng nhân lên bội phần. Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 từ cuối tháng 7/2021. Dù lãnh đạo tổng công ty, lãnh đạo ban đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, huyện, xã đề nghị phối hợp, tạo điều kiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của Chính phủ, của địa phương về phòng chống dịch bệnh, nhưng việc di chuyển, điều động nhân lực vẫn rất phức tạp.

Là người phụ trách trực tiếp công trình đường dây 110kV Mường Lay - Điện Biên đang thi công, do yêu cầu của công việc, nhiều thời điểm anh Giang vẫn phải di chuyển giữa Hà Nội và Điện Biên. Thời gian đi ô tô từ Hà Nội lên tới công trường thường mất hơn 14 giờ. Trong suốt quá trình này, các anh thường chỉ lót dạ bằng bánh mì chuẩn bị sẵn từ nhà, bởi quy định chống dịch của các địa phương không cho phép xe ngoài tỉnh được dừng, đỗ. 

"Éo le" là không phải lúc nào họ cũng có thể đặt chân đến công trình, ngay cả khi đã tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định. “Đầu tháng 8 vừa rồi, chúng tôi lại có chuyến công tác. 7h sáng xuất phát từ Hà Nội, chạy một lèo tới Điện Biên là đã 22h khuya. Tuy nhiên, ngay trong ngày hôm đó, tỉnh Điện Biên có chỉ đạo mới về công tác phòng, chống dịch. Anh em chúng tôi dù đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, có xét nghiệm PCR, nhưng vẫn phải quay đầu về Hà Nội ngay trong đêm. Cả đi cả về 24 tiếng liên tục, thực sự là vừa đói, vừa mệt”, anh Giang cười nhớ lại.

Để hoàn thành những vị trí cột ở trên đồi cao, CBNV Ban quản lý dự án lưới điện EVNNPC và các nhà thầu phải "cắm chốt" 5-7 ngày trên đồi

Để không gián đoạn công việc, nhiều CBCNV của ban phải “cắm chốt” tại công trường 2 - 3 tháng chưa về nhà. Tùy từng công trường mà họ sẽ thuê nhà của người dân địa phương, hoặc lập lán trại, để anh em ăn nghỉ tập trung, không tiếp xúc với cộng đồng dân cư, đảm bảo công tác an toàn phòng dịch.

Anh Dương Công Đức - Phó phòng Quản lý công trình 2 chia sẻ, hơn 1 tháng nay, anh phải “cắm trại” tại công trường ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Mọi công việc của gia đình đều "uỷ thác" cho vợ. “Bà xã vốn chu đáo, nên tôi cũng rất yên tâm. Nhưng tháng vừa rồi, vợ tôi phải đi cách ly 21 ngày do đi công tác về từ vùng dịch. Vậy là các con đều phải nhờ ông bà chăm sóc giúp, cũng lo lắng nhưng đành cố gắng thôi”, anh Đức chia sẻ.

Bên cạnh đó, công tác nghiệm thu, bàn giao vật tư thiết bị cũng gặp rất nhiều khó khăn do các đơn vị vận tải không nhận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đóng điện. Nhiều dự án như đường dây và TBA 110kV Trực Đại, đường dây và TBA 110kV Bãi Trành, đường dây và TBA 110kV Bình Lục, thiết bị đã có nhưng không thể vận chuyển lên công trường để tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho nhà thầu thi công.

Để đảm bảo công việc không bị gián đoạn, lãnh đạo và CBCNV của ban đã tích cực ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành dự án như: tổ chức các cuộc họp trực tuyến về tiến độ qua Google Meet; nghiệm thu vật tư thiết bị qua Zoom,... Song song, đơn vị cũng hỗ trợ nhà thầu làm việc với các ban, ngành ở địa phương có dự án, đăng ký danh sách lực lượng tham gia thi công của nhà thầu đi cách ly tập trung trước khi triển khai thi công dự án. Đó là những giải pháp hữu hiệu trong tình trạng nhà thầu không thể tập kết được nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị vật tư tới công trường.

"Đặc sản" của nghề quản lý dự án điện

Ngoài những khó khăn phát sinh do dịch COVID-19, việc triển khai các dự án điện vẫn phải đối mặt với những "khó khăn muôn thủa". Phần lớn các dự án đường dây đều trải dài, đi qua nhiều địa phương nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) không đơn giản. Với các dự án liên quan đến đất rừng, các thủ tục, quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cũng rất phức tạp.

Anh Nguyễn Trường Giang chia sẻ, có những dự án đi qua tới 22 xã thuộc nhiều huyện khác nhau. Ngoài việc tổ chức các buổi họp ở UBND xã, còn phải đến từng nhà trưởng thôn, trưởng bản để vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu được chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Có gia đình, buổi tối hôm trước đồng ý giao đất, nhưng sáng hôm sau khi đưa phương tiện, nhân lực đến thi công thì họ... thay đổi ý định. Thế là các anh lại nhẫn nại giải thích, thuyết phục từ đầu.

Anh Giang chia sẻ thêm, cũng có những trường hợp người dân sử dụng đất sai mục đích, không được bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, hoàn cảnh của người dân lại quá khó khăn. Anh em CBCNV của ban và nhà thầu đã bàn bạc mỗi người góp một chút, bỏ tiền túi để hỗ trợ phần nào cho bà con.

Cán bộ Ban Quản lý dự án lưới điện EVNNPC kiểm tra tiến độ dự án và tặng quà động viên công nhân các nhà thầu làm việc trên công trường

Với những dự án ở các tỉnh miền núi như Điện Biên, Lai Châu, vào mùa mưa lũ, để lên được các vị trí thi công, các anh phải vượt suối, vượt lũ không phải là chuyện hiếm gặp. Đó là chưa kể, có khi gặp một trận mưa lớn, giao thông bị chia cắt, gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

Cũng theo anh Giang, có những vị trí móng cột nằm trên núi cao, việc vận chuyển vật tư, thiết bị hoàn toàn bằng thủ công, hoặc dùng ngựa. Anh em giám sát của ban và đơn vị thi công phải “cắm chốt” 5-7 ngày trên núi, bởi nếu đi xuống thì sẽ mất gần 1 ngày đi đường, hiệu quả công việc rất thấp.

Ông Nguyễn Sông Thao – Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện EVNNPC chia sẻ, lãnh đạo ban đánh giá rất cao sự nỗ lực, vượt khó của mỗi CBCNV trong mùa dịch, đặc biệt là những cán bộ, nhân viên làm công tác trực tiếp tại hiện trường. Anh em đã gác lại mọi riêng tư, vượt qua cả những hiểm nguy, không ngại khó, ngại khổ để tập trung sức lực và trí tuệ hoàn thành nhiệm vụ, không để dự án bị chậm do nguyên nhân khách quan.

Cũng theo ông Nguyễn Sông Thao, sự cố gắng, linh hoạt, chủ động của mỗi CBCNV đã đem lại những thành quả. Đến nay, ban đã hoàn thành 51 công trình, trong tổng số 85 công trình được giao trong năm 2021; trong đó có các công trình trọng điểm như: đường dây và trạm biến áp 110kV Tân Yên, hoàn thành giai đoạn 1 đường dây 110kV Mường Lay - Điện Biên; đóng điện hàng loạt công trình nâng công suất và lắp máy biến áp chống quá tải cho khu vực các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang,... góp phần quan trọng trong việc đảm bảo điện của Tổng công ty Điện lực miền Bắc nói riêng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói chung.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong gian khó, sự quyết tâm, ý chí của mỗi CBCNV Ban Quản lý dự án lưới điện EVNNPC lại càng được thể hiện rõ. Họ đã và đang tiếp tục hành trình, đặt những dấu ấn thầm lặng trên những công trình điện trải dài khắp 27 tỉnh, thành phố phía Bắc, góp phần sức lực của mình trong hành trình “Thắp sáng niềm tin” của ngành Điện Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết