Năng lượng Nhật Bản [Kỳ 44]: Dùng lực lượng phòng vệ bảo vệ nhà máy điện hạt nhân
Chính phủ Nhật Bản quyết định sử dụng Lực lượng Phòng vệ để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà máy điện hạt nhân. Thay đổi chính sách vốn chỉ sử dụng Lực lượng Phòng vệ ở những tình huống phản ứng khẩn cấp, nay sẽ phối hợp với các lực lượng cảnh sát và cảnh sát biển của các địa phương để tiến hành các cuộc tập trận như đánh chặn tên lửa trong thời bình. Giả định các cơ sở hạ tầng dân sự sẽ là mục tiêu của cuộc tấn công và chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó.
Các nhà máy điện hạt nhân và lưới điện đã trở thành mục tiêu tấn công bằng tên lửa trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nếu mất điện trên toàn quốc sẽ tác động lớn đến cuộc sống của người dân và các hoạt động kinh tế. Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng bị cấm theo Công ước Geneva, nhưng trên thực tế đã xảy ra và nhu cầu cần có biện pháp đối phó ngày càng tăng.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia được Nội các quyết định vào tháng 12/2022, Chính phủ Nhật Bản nêu rõ: “Các biện pháp đảm bảo an toàn cho các cơ sở quan trọng liên quan đến cuộc sống hàng ngày ngoài biện pháp phòng vệ chống tấn công vũ trang còn có các biện pháp xử lý với các giai đoạn có nguy cơ khác nhau”. Đồng thời cũng nhấn mạnh “thiết lập cơ chế hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ, Cảnh sát và Cảnh sát biển” để duy trì hoạt động cho các nhà máy điện hạt nhân, các cơ sở phát điện và thông tin liên lạc.
Chúng tôi sẽ áp dụng linh hoạt Đạo luật Lực lượng Phòng vệ để có thể phản ứng nhanh các tình huống trong thời bình, cũng như trong lúc có chiến tranh.
Nếu có khả năng thiệt hại nghiêm trọng do tên lửa đạn đạo gây ra, có quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ ban lệnh điều động Lực lượng Phòng vệ sau khi nhận được sự chấp thuận của Thủ tướng. Kể từ năm 2016, khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa thì mệnh lệnh này đã được “ban hành vĩnh viễn”.
Đầu tiên, dựa trên quy định này, Lực lượng Phòng vệ sẽ xây dựng kế hoạch phối hợp đối phó trong thời bình với cảnh sát và cảnh sát biển tại chính quyền địa phương - nơi có cơ sở hạ tầng. Triển khai quân gần cơ sở hạ tầng và có kinh nghiệm huấn luyện sẽ giúp họ phản ứng nhanh trước các cuộc tấn công bất ngờ.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ phụ trách phòng thủ tên lửa, trong khi cảnh sát và cảnh sát biển sẽ phụ trách tuần tra trên bộ, trên biển và sơ tán cư dân. Các lực lượng này sẽ phân công nhiệm vụ của từng tổ chức và cơ chế chia sẻ thông tin trong kế hoạch ứng phó để đảm bảo phối hợp nhịp nhàng.
Lực lượng Phòng vệ tiến hành huấn luyện đánh chặn sử dụng tên lửa đất đối không dẫn đường Patriot (PAC3) để nâng cao trình độ, tiến tới cải thiện độ chính xác và khả năng đánh chặn hai giai đoạn của các tàu chiến trong hệ thống Aegis được triển khai trên biển và PAC3 trên mặt đất.
Cho đến nay, việc bảo vệ cơ sở hạ tầng của Lực lượng Phòng vệ chỉ giới hạn trong việc ứng phó khẩn cấp với các cuộc tấn công vũ trang và các hoạt động an ninh để đối phó với những kẻ khủng bố. Những trường hợp có thể sử dụng Lực lượng Phòng vệ bị hạn chế về mặt pháp lý.
Trong thời bình, bảo vệ cho các cơ sở trọng yếu theo mệnh lệnh của Thủ tướng chỉ giới hạn cho các cơ sở của Lực lượng Phòng vệ và Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản. Vì lý do này, thông thường, việc bảo vệ trong thời bình được giao cho các doanh nghiệp như các công ty điện lực và cảnh sát.
Vào tháng 11/2022, Lực lượng Phòng vệ đã tiến hành một cuộc diễn tập triển khai PAC3 tại thị trấn Oi, tỉnh Fukui - nơi đặt Nhà máy điện hạt nhân Oi của Công ty Điện lực Kansai. Sau đó Chính phủ dự định mở rộng hoạt động này sang các khu vực khác. Có 33 nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản và các hoạt động phối hợp với chính quyền địa phương sẽ sớm được tiến hành.
Đảng Dân chủ Tự do đã đề xuất cải cách sửa đổi Luật Lực lượng Phòng vệ để bổ sung các cơ sở liên quan đến hạt nhân vào phạm vi bảo vệ của Lực lượng Phòng vệ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Tại thời điểm này, Chính phủ đã xác định việc sửa đổi Luật Lực lượng Phòng vệ là một nhiệm vụ trung, dài hạn và cần có thời gian. Chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp trong khả năng có thể cho dù không thay đổi luật pháp.
(Đón đọc kỳ tới...)
NGUYỄN HOÀNG YẾN (TỔNG HỢP, BIÊN DỊCH)