Dự báo về nhu cầu sử dụng LNG cho sản xuất điện trên toàn cầu vào năm 2040
Hãng Shell vừa công bố Báo cáo triển vọng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) năm 2024 (Shell’s Liquefied Natural Gas ‘LNG’ Outlook). Trong báo cáo, Shell dự báo khả năng đầu tư dài hạn cho LNG sau năm 2040 sẽ mờ dần, nhưng nhu cầu sử dụng LNG vẫn tăng ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở khu vực châu Á... Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp một số nội dung chính trong Báo cáo này để bạn đọc tham khảo.
Shell đánh giá thấp các rào cản tăng trưởng nhu cầu LNG ở châu Á:
Các rào cản quan trọng đối với chuỗi giá trị LNG có thể hạn chế tăng trưởng nhu cầu LNG ở thị trường Nam và Đông Nam Á. LNG khó có thể cung cấp năng lượng cơ bản ở các nước châu Á mới nổi do chi phí cao hơn so với các nguồn năng lượng khác. Shell hy vọng vào quá trình khử carbon công nghiệp của Trung Quốc để thúc đẩy nhu cầu LNG toàn cầu cao hơn, nhưng điều này ít khả thi do các chính sách của quốc gia này hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt.
Theo lộ trình trung hòa carbon, việc sử dụng khí đốt trong công nghiệp của Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào năm 2030 và giảm đến năm 2060.
Shell sở hữu danh mục đầu tư LNG lớn nhất thế giới và là một trong những nhà đầu tư cổ phần lớn nhất vào các dự án xuất khẩu, với tài sản và hợp đồng kéo dài đến sau năm 2050. Dự báo thường niên của Shell các năm trước đưa ra quan điểm lạc quan của mình, nhưng bản cập nhật năm nay lại có hai thay đổi đáng ngạc nhiên. Đầu tiên, Shell giảm tới 11% kỳ vọng về nhu cầu LNG toàn cầu vào năm 2040 so với dự báo trước đó. Quan trọng hơn, Shell dự báo nhu cầu sẽ đạt đỉnh vào những năm 2040.
Những thách thức đối với việc thâm nhập thị trường LNG của các nước châu Á mới nổi:
Báo cáo của Shell thừa nhận: Nhu cầu khí đốt tại các thị trường LNG trưởng thành như: Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đã đạt đỉnh trong thập kỷ qua. Thay vào đó, Shell dự báo Nam và Đông Nam Á sẽ phải vượt qua tình trạng thiếu hụt năng lượng, chủ yếu bằng cách sử dụng nhiều LNG hơn để phát điện.
Điều này sẽ phụ thuộc vào dòng đầu tư cơ sở hạ tầng, cả cho các cơ sở nhập khẩu và sử dụng đầu cuối hiện chưa tồn tại. Tuy nhiên, dự báo của Shell về mức tăng trưởng nhu cầu chóng mặt ở những thị trường này đã đánh giá thấp những rào cản chính đối với việc hỗ trợ cho chuỗi giá trị LNG.
Mặc dù Việt Nam đã hoàn thành kho, cảng LNG đầu tiên (Kho, cảng LNG Thị Vải của PV GAS) vào năm 2023, nhưng nhà máy điện chạy bằng LNG đầu tiên của Việt Nam (Nhơn Trạch 3 dự kiến phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và Nhơn Trạch 4 phát điện thương mại vào khoảng tháng 5/2025) vẫn chưa hoàn tất hợp đồng bán điện cần thiết và có thể bị trì hoãn - Báo cáo của Shell nêu ví dụ. |
Có 3 thách thức lớn trong Báo cáo của Shell:
Thứ nhất: Các dự án chuyển đổi LNG thành điện năng phải mất một thời gian dài để đàm phán và phát triển.
Ví dụ, mặc dù Việt Nam đã hoàn thành kho, cảng LNG đầu tiên (Kho, cảng LNG Thị Vải của PV GAS) vào năm 2023, nhưng nhà máy điện chạy bằng LNG đầu tiên của Việt Nam (Nhơn Trạch 3 dự kiến phát điện thương mại vào tháng 11/2024 và Nhơn Trạch 4 phát điện thương mại vào khoảng tháng 5/2025) vẫn chưa hoàn tất hợp đồng bán điện cần thiết và có thể bị trì hoãn.
Còn Philippines đã nhiều lần phải đối mặt với các vấn đề về hợp đồng đối với các nhà máy điện chạy bằng khí đốt do chi phí LNG cao.
Thứ hai: LNG đắt hơn đáng kể so với các nguồn năng lượng khác, (như than đá và năng lượng tái tạo). Ví dụ, Bangladesh phải đối mặt với khoản hóa đơn năng lượng chưa thanh toán trị giá 5 tỷ USD do chi phí nhiên liệu nhập khẩu cao.
Việc Ấn Độ gia hạn hợp đồng LNG với Qatar gần đây có thể để giá LNG ở mức 10 USD/MMBTU (triệu BTU). Giá này sẽ cần phải giảm một nửa để cạnh tranh với than nhập khẩu và thậm chí còn giảm hơn nữa để cạnh tranh với các nguồn tài nguyên sản xuất trong nước rẻ hơn.
Do vậy, LNG khó có thể đóng vai trò chính trong cơ cấu nguồn điện của các nước châu Á mới nổi.
Thứ ba: Ngay cả như Thái Lan - quốc gia đã tăng nhập khẩu trong những năm gần đây, nhưng tính bền vững tài chính của LNG vẫn chưa chắc chắn. Chi phí nhiên liệu và trợ cấp cao vào năm 2022 đã khiến công ty điện lực nhà nước rơi vào khủng hoảng thanh khoản và có thể không thể gánh thêm các khoản thua lỗ cho đến năm 2025. Thay vào đó, Thái Lan đặt mục tiêu tăng cường sản xuất khí đốt trong nước và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo rẻ hơn.
Quá trình khử carbon công nghiệp của Trung Quốc không phải là đối trọng của LNG:
Shell tuyên bố: Động lực quan trọng nhất của nhu cầu LNG toàn cầu sẽ là quá trình khử carbon trong công nghiệp của Trung Quốc. Điều này mâu thuẫn với các lộ trình khác cho mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 của quốc gia này. Ví dụ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán rằng: Việc sử dụng khí đốt công nghiệp của Trung Quốc vào năm 2060 có thể thấp hơn mức hiện tại.
Theo kịch bản chính sách đã được công bố, nhu cầu khí đốt tổng thể của Trung Quốc có thể đạt đỉnh trong thập kỷ này.
Quan điểm của Shell bỏ qua các chính sách của Trung Quốc được thiết kế để hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt. Trung Quốc hy vọng sẽ cung cấp hơn một nửa nguồn cung cấp khí đốt trong nước và dự thảo chính sách sử dụng khí đốt của nước này có thể hạn chế việc chuyển đổi từ than sang khí đốt. Cách tiếp cận khử carbon của quốc gia này có thể hạn chế thay vì thúc đẩy nhập khẩu LNG.
Shell cũng khẳng định rằng: Châu Á đang chuyển sang sử dụng khí đốt để hỗ trợ triển khai năng lượng tái tạo và làm giảm việc sử dụng than. Đây không phải là trường hợp ở Trung Quốc - quốc gia có Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó than đá là nguồn cung cấp an ninh năng lượng và đảm bảo độ tin cậy điện năng chứ không phải LNG.
Trung Quốc đang xây dựng gần 140 GW công suất điện than mới. Khi công suất điện than tăng lên, mức sử dụng có thể sẽ giảm cùng với sự gia tăng nhanh chóng về công suất năng lượng mặt trời và gió - tổng công suất của hai nguồn điện này đã tăng gần 300 GW vào năm 2023.
Theo dữ liệu của Ember: Kể từ năm 2015, tỷ trọng sản xuất điện bằng khí đốt tự nhiên trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc vẫn chỉ ở mức 3%, trong khi tỷ trọng của điện gió và mặt trời đã tăng gấp 4 lần (lên gần 16%). Năng lượng sạch cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của đất nước năm ngoái. Trung Quốc rõ ràng là không dựa vào khí đốt để giảm lượng khí thải, hoặc hỗ trợ triển khai năng lượng tái tạo.
Cuối cùng, Báo cáo của Shell thừa nhận rằng: Khả năng đầu tư vào LNG sau năm 2040 giảm dần. Thay vào đó, Shell đang dựa vào nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng trong ngắn hạn tại các thị trường mới nổi để lấp đầy khoảng trống mà các khách hàng LNG truyền thống để lại./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Link tham khảo: