COP26 là bước ngoặt để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế
Theo các chuyên gia, để Việt Nam hiện thực hoá được cam kết tại Hội nghị COP26, việc cần làm lúc này là quyết liệt các giải pháp nhằm tái cơ cấu lại nền kinh tế, phân định rõ trách nhiệm, cũng như định lượng cụ thể lượng giảm phát thải đối với từng bộ, ngành, địa phương… và bám sát chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế".
Cần định lượng cụ thể lượng phát thải
Chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26 – Góc nhìn Kinh tế Môi trường" tổ chức ngày 29/11, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) cho biết: Những cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 sẽ là bước ngoặt quan trọng để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế trong nước theo hướng phát thải carbon thấp, hướng đến nền kinh tế xanh và chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Những cam kết này cũng góp phần thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, đó là phát triển nhanh, bền vững.
Từ cam kết của Thủ tướng cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam có những đầu tư vào công nghệ sạch, thân thiện môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế. Khuyến khích đầu tư công nghệ tốt nhất, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn như đã quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc chất lượng môi trường sẽ được nâng lên "năm sau tốt hơn năm trước".
Tuy nhiên, theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc thực hiện Net Zero đạt được thắng lợi hay không thì chúng ta chưa thể đánh giá được. Vì thực hiện cam kết phát thải bằng 0 không phải là điều đơn giản.
Các chuyên gia tham dự toạ đàm |
"Điều chúng ta cần chú ý ở đây là cam kết Net Zero, có nghĩa là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển. Tuy nhiên việc tính ra lượng khí thải như thế nào, có tính được lượng khí thải ra môi trường hay không là vấn đề cốt yếu mà chúng ta cần tính toán và chỉ ra cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực... Do đó, việc cơ cấu lại tỷ trọng phát thải của từng ngành, lĩnh vực có vai trò hết sức quan trọng. Từ đó mới có thể quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng" - ông Cơ bày tỏ.
Góp ý về mặt giải pháp, ông Cơ cho rằng, có 2 giải pháp quan trọng Việt Nam có tiềm năng thực hiện để đạt được cam kết này, một là cần phục hồi và nhân rộng thêm diện tích rừng và giảm nhiệt điện than, phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió).
"Việt Nam là một nước có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Đây là nguồn năng lượng sạch vô tận. Và một điều đáng ghi nhận là Quy hoạch điện VIII đã được điều chỉnh theo hướng giảm điện than, tăng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Điều này hoàn toàn phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 vừa qua" - ông Cơ nói.
Cũng theo các chuyên gia, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. Tuy nhiên, để giảm phát thải, bảo vệ môi trường đang đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Đặc biệt khi nước ta là quốc gia đang phát triển, bài toán phát triển kinh tế hài hoà với bảo vệ môi trường cần phải tính toán khoa học, kỹ lưỡng.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, để phát huy nguồn lực, tối ưu hoá các phương thức thực hiện việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện cam kết Net Zero, Việt Nam cần phát huy 3 nhóm: Nhà nước - cộng đồng doanh nghiệp - dân cư. Trong đó, nhà nước đảm bảo hệ thống luật pháp, hỗ trợ chính sách thị trường, dịch vụ, đặc biệt đưa vào hoạt động kiểm toán môi trường để nhà nước kiểm soát.
"Bên cạnh đó, cần phát động hiệp hội, doanh nghiệp và người dân thực hiện các chính sách thuế - phí môi trường. Vận dụng công nghệ, khai thác nguồn lực tự nhiên, quản lý giá bảo vệ môi trường, quan trắc, thu hồi nguồn phát thải từ phương tiện vận thải, phong trào trồng cây xanh cần phát huy. Trong đó, vai trò thuộc về nhà nước là chủ đạo, buộc doanh nghiệp và người dân thực hiện" - ông Phong cho ý kiến.
Thúc đẩy công nghệ sạch, tiên tiến
Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam hướng đến nền kinh tế không carbon, nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế bền vững là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quốc tế và để chúng ta không bị để lại phía sau. Qua đó, nếu có các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường, cũng sẽ là động lực để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đó, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, Việt Nam đang thực hiện song hành kinh tế - môi trường và an sinh xã hội. Với tinh thần lấy người dân là chính, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân…
"Điều quan trọng để tái cấu trúc nền kinh tế trong điều kiện hiện nay là thay thế, giảm các ngành hàng ô nhiễm sang các ngành hàng sử dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường" - bà An nhấn mạnh.
Bà An cho rằng, chúng ta cần tập trung vào các công nghệ sạch, tiên tiến có khả năng ngăn chặn biến đổi khí hậu chứ không nhất thiết là công nghệ giá rẻ. Đặc biệt, nhà nước nên có cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thay đổi dần công nghệ, tiến tới công nghệ sạch. Thậm chí, nhà nước cần trợ giá cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, khoa học tiên tiến… để đáp ứng được tiêu chí về bảo vệ môi trường.
Góp ý thêm, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chính sách đầu tư công. Theo đó, chúng ta có thể cho doanh nghiệp, người dân được đầu tư vào việc bảo vệ môi trường. Điều này cần có chính sách cụ thể, theo vận hành của kinh tế thị trường. Những quy luật thị trường sẽ loại thải dần những doanh nghiệp không đạt tiêu chí xanh.
Ông Chinh nhấn mạnh: “Chúng ta cần có những người tham gia “sân chơi” này, tất nhiên là có cơ chế giám sát chặt chẽ, linh hoạt để theo kịp thời cuộc. Nguồn lực của chúng ta đang hạn chế, không thể lúc nào cũng nhìn vào nguồn lực của nhà nước, mà phải phát huy tối đa vai trò của người dân, doanh nghiệp cùng chung tay, hỗ trợ”.
Và đặc biệt, theo ông Chinh, việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường rất quan trọng và làm sao để người dân thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình ở trong đó. Khi người dân thực hiện, giám sát, các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ có cải thiện rõ rệt.