|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chấm dứt điện than, xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng sạch

Mục tiêu chấm dứt điện than dần thành hiện thực khi Vương quốc Anh đảm bảo các cam kết đầy tham vọng tại Hội nghị thượng đỉnh COP26.

Dấu chấm hết của than đá - yếu tố lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu đang dần trở thành hiện thực nhờ việc Vương quốc Anh đảm bảo một liên minh gồm 190 quốc gia và tổ chức mạnh mẽ tại COP26 với các quốc gia như Ba Lan, Việt Nam, Ai Cập, Chile và Maroc đã công bố các cam kết rõ ràng đối với việc loại bỏ dần điện than.

Các cam kết được tập hợp lại thông qua các nỗ lực do Vương quốc Anh dẫn đầu bao gồm “Tuyên bố chuyển đổi toàn cầu từ than đá sang năng lượng sạch” mới gồm các quốc gia phát triển và đang phát triển, quốc gia tiêu thụ than lớn và quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Tuyên bố này bao gồm 18 quốc gia lần đầu tiên cam kết loại bỏ và không xây dựng hoặc đầu tư vào điện than mới bao gồm Ba Lan, Việt Nam và Chile đánh dấu một thời khắc quan trọng tại COP26 trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu.

Tuyên bố được đưa ra ngày 4/11 với các cam kết từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới nhằm: chấm dứt mọi hoạt động đầu tư điện than mới trong nước và quốc tế; nhanh chóng mở rộng quy mô triển khai năng lượng sạch. Đồng thời, loại bỏ điện than ở các nền kinh tế: vào những năm 2030 đối với các nền kinh tế lớn và những năm 2040 đối với phần còn lại của thế giới. Chỉ chuyển đổi, loại bỏ điện than theo hướng có lợi cho người lao động và cộng đồng.

Nhiều quốc gia cam kết loại bỏ nhiệt điện than, chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Hội nghị COP26

Hơn nữa, cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc – 3 quốc gia có nguồn tài chính công lớn nhất cho than đá cam kết chấm dứt tài chính ở nước ngoài cho sản xuất điện than vào cuối năm 2021 và đã được công bố vào năm ngoái trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch COP26 sắp tới của Vương quốc Anh. 

Các thỏa thuận tại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhằm chấm dứt tài trợ công quốc tế cho điện than gửi đi tín hiệu mạnh mẽ rằng, nền kinh tế thế giới đang chuyển sang năng lượng tái tạo. Điều này có thể chấm dứt hoạt động của các dự án điện than có tổng công suất hơn 40GW điện than tại 20 quốc gia, tương đương với hơn một nửa công suất điện của Vương quốc Anh.

Bộ trưởng Kinh doanh & Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng cho biết: “Ngày hôm nay đánh dấu một thời khắc quan trọng trong nỗ lực toàn cầu của chúng ta nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu khi các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới hội ngộ tại Glasgow để tuyên bố rằng than đá không đóng vai trò gì trong việc phát điện năng trong tương lai.

Dẫn đầu là Chủ tịch COP26 Vương quốc Anh, các cam kết đầy tham vọng của ngày hôm nay do các đối tác quốc tế của chúng tôi đưa ra chứng minh rằng dấu chấm hết của than đá đang dần trở thành hiện thực. Thế giới đang đi đúng hướng, sẵn sàng chấm dứt sử dụng than đá, đón nhận những lợi ích kinh tế và môi trường của việc xây dựng một tương lai sử dụng năng lượng sạch”.

Để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên mức 1,5 độ C, quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch cần phải tiến triển nhanh hơn từ 4 đến 6 lần so với hiện tại. Với than đá là yếu tố lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, việc loại bỏ dần than đá và chuyển đổi nhanh chóng, toàn diện sang năng lượng sạch là điều cần thiết nếu chúng ta muốn duy trì mức tăng nhiệt ở ngưỡng 1,5 độ C.

28 thành viên mới đã tham gia vào liên minh lớn nhất thế giới để loại bỏ than đá, Liên minh Loại bỏ than đá (Powering Past Coal Alliance - PPCA) do Vương quốc Anh ra mắt và đồng chủ trì. 

Damilola Ogunbiyi, Giám đốc điều hành và đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về năng lượng bền vững cho tất cả mọi người và đồng Chủ tịch UN-Energy cho biết: “Ngày Năng lượng tại COP26 là một cột mốc quan trọng để xây dựng động lực cho Mục tiêu phát triển bền vững 7 và hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch công bằng.

Chúng ta là những người xây dựng một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Hôm nay, tôi kêu gọi tất cả các chính phủ nâng cao mức độ tham vọng cần thiết để lấp đầy những khoảng trống về tài chính và đảm bảo một tương lai năng lượng thực sự mà không ai bị bỏ lại phía sau”.

Cẩm Hạnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết