Bản tin năng lượng số 6/2022
Tập đoàn EREX (Nhật Bản) mong muốn đầu tư phát triển các dự án trong lĩnh vực điện sinh khối tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư phát triển điện sinh khối tại Việt Nam
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn EREX (Nhật Bản).
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn kiêm Tổng giám đốc EREX Honda Hitoshi cho biết, Công ty CP EREX là nhà sản xuất, cung cấp điện và cũng là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực điện sinh khối tại Nhật Bản. Việt Nam là đất nước trù phú về nông nghiệp, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực này chính vì vậy, công ty rất mong muốn được đầu tư vào Việt Nam.
Theo ông Honda Hitoshi, tuy Nhật Bản đang xây dựng nhà máy điện sinh khối lớn nhất thế giới nhưng tại Nhật Bản lại thiếu nguồn nguyên liệu nên công ty mong muốn có thể nhập khẩu được nguồn nguyên liệu này từ Việt Nam. Từ năm 2018, EREX đã trao đổi với các địa phương tại Việt Nam về kế hoạch trồng cây cao lương và sản xuất nhiên liệu điện để xuất khẩu sang Nhật Bản trong giai đoạn 2021 - 2026.
Ông Honda Hitoshi chia sẻ, khu vực có điều kiện tự nhiên để trồng cây cao lương mới tại Việt Nam là Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang với tổng diện tích dự kiến triển khai là 12.000ha. Trước mắt, công ty đã trồng thử 30ha từ tháng 7/2021 tại tỉnh Phú Yên. Công ty cũng đang lên kế hoạch trồng thử nghiệm tại Việt Nam để tiến tới nghiên cứu cây sinh khối thân thảo khác nhằm mục đích làm nguyên liệu điện sinh khối theo công nghệ của Nhật Bản.
Ảnh minh họa
Ông Honda Hitoshi cho biết, Việt Nam là quốc gia đầu tiên EREX cân nhắc đầu tư công nghệ phát điện sinh khối ngoài Nhật Bản. Theo đó, công ty đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng 1.500 MW điện sinh khối; cắt giảm 27,570kt/năm CO2 vào năm 2035 và phát nguồn điện ổn định. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên sinh khối chưa sử dụng ở Việt Nam, phát triển nhiên liệu sinh học mới nhằm góp phần cải thiện thu nhập của nông dân và tạo việc làm liên quan đến vận hành nhà máy điện.
Với kinh nghiệm đã đầu tư và phát triển lĩnh vực này tại Nhật Bản, ông Honda Hitoshi tin tưởng các dự án của EREX được đầu tư tại Việt Nam sẽ được triển khai thành công và Việt Nam sẽ trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu cho điện sinh khối trong khu vực cũng như trên thế giới. Lãnh đạo EREX bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam để các dự án được triển khai đúng tiến độ và về đích như mục tiêu đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao ý tưởng và chiến lược đầu tư của EREX tại Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, công ty cần sớm thu xếp để làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, các địa phương ở Việt Nam để có được cái nhìn xác thực và hướng phát triển phù hợp. Đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phát huy được khả năng, nỗ lực và hiệu quả hoạt động tại Việt Nam.
HSBC Việt Nam hợp tác tài trợ các dự án năng lượng tái tạo
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) vừa thực hiện ký kết ý định thư về việc đánh giá và cung cấp các giải pháp tài chính bền vững cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group), một trong những doanh nghiệp về năng lượng tái tạo lớn và danh tiếng nhất Việt Nam. Buổi lễ ký kết được tổ chức dưới sự chứng kiến của ông Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhân chuyến thăm của ông đến Việt Nam và ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam.
Ý định thư này đánh dấu bước đi tiếp theo của HSBC Việt Nam trong việc hiện thực hóa cam kết thu xếp đến 12 tỷ USD tài trợ trực tiếp và gián tiếp cho các dự án bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho đến năm 2030. Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11 vừa qua, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với cam kết này, sự phát triển và đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo mang tầm quan trọng chiến lược quốc gia.
Theo ý định thư, HSBC sẽ hợp tác cùng Trungnam Group trong việc đánh giá và cung cấp các giải pháp tài chính bền vững nhằm giúp phát triển các dự án năng lượng tái tạo của Trungnam Group trên khắp Việt Nam.
HSBC Việt Nam và Trungnam Group hợp tác phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam
HSBC sẽ tận dụng mạng lưới ngân hàng đầu tư toàn cầu, sự hiện diện dài lâu và sự am hiểu Việt Nam, các thành tựu và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính bền vững cũng như hiểu biết sâu sắc về các nhóm nhà đầu tư khác nhau nhằm xây dựng một chiến lược tài chính phù hợp cho Trungnam Group. Sự hỗ trợ này cũng bao gồm dịch vụ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ HSBC để doanh nghiệp có thể tiếp cận các thị trường vốn tại Việt Nam và thế giới với trọng tâm xoay quanh các dự án phát triển bền vững.
Ông Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị COP26 chia sẻ: “Việc tăng cường huy động tài chính của khu vực tư nhân cho các dự án xanh là một thành công lớn của Hội nghị thượng đỉnh COP26 vào tháng 11 vừa qua. Thỏa thuận hôm nay giữa HSBC và Trungnam Group đang hiện thực hóa cam kết của HSBC nhằm thu xếp 12 tỷ USD tài trợ cho các dự án bền vững tại Việt Nam, cho thấy vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Tôi kêu gọi Việt Nam hãy tận dụng tối đa nguồn tài chính xanh quốc tế để hiện thực hóa các cam kết về năng lượng sạch và phát thải ròng đầy tham vọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại Glasgow”.
Sóc Trăng: Khánh thành dự án Nhà máy điện gió số 7
Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Công ty CP Năng lượng Sóc Trăng tổ chức Lễ khánh thành Nhà máy điện gió số 7 tại ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Nhà máy điện gió số 7 được đầu tư xây dựng tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu với quy mô gần 90ha khu vực bãi bồi ven biển và khoảng 3ha trong đất liền. Nhà máy được khởi công từ ngày 25/9/2020 và hòa lưới điện quốc gia ngày 24/10/2021.
Tổng mức đầu tư dự án gần 5.700 tỷ đồng. Nhà máy có công suất thiết kế 120MW, trong đó giai đoạn 1 đã hoàn thành có công suất 30MW và giai đoạn 2 có công suất 90MW. Tổng sản lượng điện giai đoạn 1 là 105GWh/năm, giai đoạn 2 là 312GWh/năm.
Nhà máy điện gió số 7 Sóc Trăng có công suất thiết kế 120MW
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Việc khánh thành Nhà máy điện gió số 7 là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp điện gió của tỉnh, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án điện gió (tổng công suất 1.295,2MW), trong đó đã có 4 dự án hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại (gồm 26 trụ tuabin gió, tổng công suất 110,8MW).
Ngân Hà