|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 24/2022

Sau 5 năm thực hiện, dự án Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng (SGREEE) sẽ kết thúc hoạt động vào cuối tháng 6/2022. Ngày 23/6, Cục Điều tiết điện lực và Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ phối hợp tổ chức lễ tổng kết dự án tại Hà Nội.

Phát triển lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng

Dự án SGREEE được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) ủy quyền cho GIZ thực hiện từ năm 2017 trong khuôn khổ Sáng kiến công nghệ khí hậu của Đức (DKTI). Khi dự án bắt đầu triển khai, Việt Nam chưa đưa ra cam kết thực hiện mục tiêu Net zero.

Với các cam kết mạnh mẽ của chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (COP26) về biến đổi khí hậu, Việt Nam đang tích cực hiện thực hóa quá trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả, trong đó việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng năng lượng bao gồm cả việc nâng cấp lưới điện truyền thống trở thành lưới điện thông minh là điều cần thiết. Để đảm bảo thực hiện thành công quá trình chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cần rà soát và cập nhật chiến lược phát triển lưới điện thông minh (gọi tắt là Lộ trình lưới điện thông minh) sau 10 năm thực hiện chiến lược này.  

Nhằm hỗ trợ Việt Nam, dự án SGREEE đã đưa ra khuyến nghị để cải thiện khung pháp lý liên quan, đồng thời nâng cao năng lực của các bên liên quan để có thể làm chủ công nghệ mới và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Dự án tập trung vào việc tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện - bước quan trọng đầu tiên hướng tới quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.  

Cán bộ dự án SGREEE trình bày về các hoạt động và thành công chính của dự án

Sau 5 năm thực hiện, dự án SGREEE đã đạt được nhiều thành công, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, nâng cao năng lực và hợp tác kỹ thuật. 

Với lĩnh vực hoạt động thứ nhất - hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, dự án đã hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chiến lược cho Cục Điều tiết điện lực và các bên liên quan nhằm cải thiện khung pháp lý của Việt Nam trong lĩnh vực lưới điện thông minh, trong đó bao gồm việc đề xuất cập nhật Lộ trình lưới điện thông minh, đề xuất sửa đổi Luật Điện lực và thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải ở Việt Nam. Tất cả những hoạt động này sẽ phục vụ cho mục tiêu chuyển dịch năng lượng và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực nâng cao năng lực, dự án SGREEE đã thành lập website Trung tâm chia sẻ kiến thức Việt Nam về lưới điện thông minh (http://smart-grid.vn/) và Cộng đồng Lưới điện thông minh Việt Nam trên Facebook với gần 1.000 thành viên (https://www.facebook.com/groups/smartgridvn). Dự án đã tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ Lưới điện thông minh Việt Nam 2019 - sự kiện cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam về phát triển lưới điện thông minh.

Ở lĩnh vực hợp tác công nghệ, trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia ngành điện đã được học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về những giải pháp công nghệ hiện đại đối với hệ thống cung cấp điện thông minh ở tầm quốc tế, chia sẻ các góc nhìn sâu hơn về những lợi ích mà những giải pháp này có thể mang lại cho ngành điện Việt Nam. Trong số các giải pháp, dự án SGREEE đã giới thiệu một cách toàn diện về công nghệ nhà máy điện ảo (VPP) - công cụ quan trọng để theo dõi, dự báo và kiểm soát từ xa một số lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo phân tán. 

Hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Tại Hà Nội, Công ty CP FECON và Corio Generation - doanh nghiệp hoạt động chuyên về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, chuyên khai thác năng lượng tái tạo trên toàn thế giới vừa ký thỏa thuận hợp tác. Theo đó, hai bên sẽ cùng hợp tác trong dự án điện gió ngoài khơi công suất 500MW tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án điện gió ngoài khơi công suất 500MW đề xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu nằm cách bờ biển 25 - 30km, được kỳ vọng sẽ là một trong số những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn được xây dựng tại Việt Nam sau khi được cấp phép và phê duyệt. Theo tính toán, sau khi được xây dựng, dự án có thể cung cấp khoảng 1.250 GWh điện sạch và giảm thiểu hơn 600.000 tấn phát thải carbon mỗi năm.

Corio Generation và FECON ký kết thỏa thuận phát triển dự án điện gió ngoài khơi

Corio Generation là doanh nghiệp chuyên về điện gió ngoài khơi toàn cầu và là công ty danh mục đầu tư của Macquarie’s Green Investment Group. Doanh nghiệp hiện đang sở hữu một trong những danh mục đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với hơn 20GW.

Phát biểu tại lễ ký, ông Guillermo Martinez-Navas, Giám đốc cấp cao của Corio Generation chia sẻ: Với nguồn tài nguyên gió dồi dào, Việt Nam có thể trở thành cường quốc về điện gió ngoài khơi của Đông Nam Á, cung cấp điện sạch, giá cả phải chăng cũng như các cơ hội việc làm và kinh tế cho các cộng đồng địa phương.

Corio Generation đang tìm kiếm các cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi trên khắp Việt Nam. Hiện Corio Generation cũng đang xem xét, đánh giá một số dự án và một số đối tác tiềm năng. Điều này là minh chứng cho sự cam kết của Corio đối với nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON cho biết: Chúng tôi vui mừng được ký kết thỏa thuận hợp tác cùng tập đoàn phát triển quốc tế hàng đầu như Corio Generation trong dự án điện gió ngoài khơi Vũng Tàu. FECON cũng tin tưởng rằng, dự án sẽ được triển khai với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về năng lượng phục vụ phát triển kinh tế của Việt Nam. Và mong rằng Corio Generation sẽ đóng góp các kinh nghiệm quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Thu hút đầu tư để ĐBSCL sớm trở thành trung tâm năng lượng sạch

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có bài phát biểu về xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và định hướng phát triển năng lượng tái tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần khảo sát, đề xuất các dự án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương

Trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ, dự kiến tỉ lệ công suất nguồn năng lượng gió, mặt trời chiếm tỉ trọng 18 - 23% tổng công suất hệ thống. Theo danh mục nguồn điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, khu vực Nam Bộ (bao gồm cả vùng đồng bằng sông Cửu Long) dự kiến đến năm 2030 phát triển khoảng gần 8.000 MW điện gió trên bờ và ngoài khơi; điện mặt trời phát triển giai đoạn sau năm 2030. 

Quy hoạch lần này chỉ quy hoạch tổng quy mô công suất theo vùng, miền, không quy hoạch dự án cụ thể. Sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Riêng các dự án mua bán điện trực tiếp và sử dụng tại chỗ, Bộ đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép để triển khai thực hiện.

Nhân hội nghị này, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, phối hợp chặt chẽ với Bộ trong việc khảo sát, đề xuất các dự án phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, chú trọng các dự án liên kết vùng, tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước để sớm trở thành trung tâm về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của đất nước.

Đồng thời, tập trung cải cách hành chính, môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi trong giải phóng mặt bằng cho các dự án. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết