|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bản tin năng lượng số 18/2023

Mới đây, Hội đồng thẩm định kết quả rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vừa tổ chức họp tại Hà Nội.

Quy hoạch điện VIII cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học công nghệ

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm.

Quy hoạch điện VIII đánh giá toàn diện thực trạng Quy hoạch điện VII đã điều chỉnh, chỉ ra tồn tại, yếu kém từ chất lượng quy hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện, rút ra nhiều bài học về kỷ luật, kỷ cương, tính đồng bộ, trách nhiệm trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh việc cập nhập các số liệu sát với thực tiễn, nhu cầu phát triển, Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn tiếp tục làm rõ những nguyên nhân khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ, có giải pháp khắc phục trên cơ sở xác định "quy hoạch điện không phải là quy hoạch tổng thể mà liên quan đến quy hoạch vùng, địa phương, đất đai, nguồn lực, cơ chế thực hiện".

Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đánh thuế carbon với hàng hóa sản xuất sử dụng năng lượng hóa thạch…

Về quan điểm phát triển, Phó Thủ tướng cho rằng Quy hoạch điện VIII cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học công nghệ nhằm giải quyết các thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero), chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đánh thuế carbon với hàng hóa sản xuất sử dụng năng lượng hóa thạch…

Đây là xu thế tất yếu, cơ hội để Việt Nam hội nhập, chuyển đổi thành công nền kinh tế, tạo được ưu thế trên thị trường thương mại tự do, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết.

Đối với các kịch bản được nêu trong quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ hơn tính khả thi về công nghệ, hiệu quả tổng thể (nguồn điện, an toàn hệ thống truyền tải, phụ tải…), giải pháp và cơ chế đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của các trung tâm công nghiệp, cụm kinh tế trọng điểm, người dân… nhất là trường hợp nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, không có trong quy hoạch.

Theo Phó Thủ tướng, trong trường hợp nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng lên, hoặc để đạt mục tiêu cấp điện cho 100% người dân thì cần có cơ chế phù hợp cho điện áp mái, hoặc cơ chế sản xuất và tiêu thụ năng lượng tái tạo tại chỗ cho các doanh nghiệp sản xuất.

Tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện VIII

Theo thông tin từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), ngày 4/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Được xem là một quy hoạch ngành rất quan trọng, Quy hoạch điện VIII phải đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá thành hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) và tham gia Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), việc hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII càng trở nên thách thức và cần thêm nhiều thời gian để rà soát và đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng, khí hậu…

Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: moit.gov.vn)

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng khẳng định vai trò hỗ trợ, đồng hành của các đối tác, tổ chức quốc tế trong việc xây dựng, hoàn thiện nội dung Quy hoạch điện VIII theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch, tập trung gia tăng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời và sinh khối… giảm phát thải khí nhà kính.

Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ những đối tác quốc tế, các định chế tài chính song phương và đa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe tham luận, trao đổi đóng góp ý kiến của chuyên gia năng lượng cấp cao đến từ những đối tác, tổ chức quốc tế đối với dự thảo Quy hoạch điện VIII. 

Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định Hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện VIII là diễn đàn thảo luận quan trọng nhằm giúp Bộ Công Thương hoàn thiện nội dung Quy hoạch đảm bảo tính khách quan, khoa học và khả thi, hướng tới việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, đạt được các mục tiêu chung về an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu.

Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân

Theo thông cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5/2023.

Điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5

Căn cứ Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Trước đó, vào ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Ngân Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết