Bản tin môi trường số 1/2023
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác ngành tài nguyên và môi trường năm 2023.
Phương hướng, nhiệm vụ công tác ngành TN&MT năm 2023
Năm 2023, thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do khủng hoảng khí hậu, môi trường. Do đó, ngành TN&MT cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, hội nhập, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả trong thực thi công vụ, phục vụ người dân và xã hội; chủ động nắm bắt cơ hội; tận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ, xu thế của thời đại; đổi mới, cải cách đồng bộ thể chế khơi thông, giải phóng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phục vụ cho tương lai bền vững đất nước, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác ngành TN&MT năm 2023
Cụ thể, trong năm 2023, toàn ngành cần quyết tâm triển khai rà soát các kế hoạch hành động phù hợp với tình hình mới, hoàn thành công tác lập phê duyệt quy hoạch, đảm bảo quỹ đất, tài nguyên đầu vào cho nền kinh tế; chủ động thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện các chỉ số thành phần môi trường; thu hút nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng môi trường.
Triển khai thực hiện các mục tiêu cam kết về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên trên đất liền và trên biển, cam kết về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”; phấn đấu đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung đa mục tiêu; vận hành cổng thông tin địa lý quốc gia, dữ liệu quan trắc, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường.
Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ban hành Quyết định số 1623/QĐ-TTg phê duyệt đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Đề án nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gene...
Theo đó, các cơ quan, ban ngành, đơn vị địa phương cần triển khai 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau: nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
Ủy ban MTTQ Việt Nam tại TPHCM, Sở TN&MT và lãnh đạo 33 tổ chức tôn giáo vừa tổ chức ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2022 - 2026.
Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò, uy tín của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Sở TN&MT TPHCM đã ký kết với các tôn giáo trong việc BVMT và ứng phó với BĐKH.
Lễ ký kết Chương trình phối hợp BVMT, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022 - 2026
Theo ký kết, TPHCM phấn đấu đến hết năm 2026 có 100% các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được tiếp cận thông tin và tích cực hưởng ứng, tham gia BVMT và ứng phó BĐKH… Sở TN&MT sẽ tăng cường triển khai, hướng dẫn đồng bộ phân loại chất thải rắn tại nguồn; triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xây dựng, định hướng nội dung truyền thông, phổ biến các tài liệu hỗ trợ công tác truyền thông BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với các tôn giáo; tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tôn giáo duy trì, phát huy, nhân rộng các mô hình BVMT, ứng phó với BVMT…
Các tổ chức tôn giáo tiếp tục cụ thể hóa các nội dung phối hợp đã ký kết để vận động chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ hưởng ứng các hoạt động BVMT, ứng phó với BĐKH. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khẳng định đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo.
Thanh Tâm