Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sạt lở hạ nguồn sông Tiền ngày càng phức tạp

Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển hạ nguồn Sông Tiền diễn biến ngày càng phức tạp, gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh.

Sạt lở hạ nguồn sông Tiền ngày càng phức tạp

Sạt lở đã làm những căn nhà của người dân sụp đổ xuống sông (trên địa bàn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Ảnh: Thành Nhân

Sạt lở diễn biến càng ngày càng phức tạp

Ông Võ Tiến Sĩ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết, toàn tỉnh Bến Tre có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134km. Trong đó, sạt lở bờ sông 104 điểm, với tổng chiều dài khoảng 115km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Còn sạt lở bờ biển 8 điểm, với tổng chiều dài khoảng 19km đã làm mất khoảng 200ha đất và 54ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển.

“Một số khu vực bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng trong thời gian qua như: Bờ biển khu vực Cồn Ngoài (thuộc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri); Bờ biển khu vực xã Thanh Phong và xã Thạnh Hải (thuộc huyện Thạnh Phú); Khu vực cồn Phú Đa - Phú Bình, xã Vĩnh Bình (thuộc huyện Chợ Lách); Khu vực cồn Thành Long, (thuộc ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam)…” - ông Sĩ cho hay.

Ông Sĩ cũng cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 16 điểm (khu vực) bờ sông, bờ biển tiếp tục sạt lở thuộc các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Ba Tri, Bình Đại với tổng chiều dài sạt lở gần 7km.

Dự báo tình hình sạt lở trong thời gian tới những khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở như: bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; khu vực các cồn: cồn Tam Hiệp (huyện Bình Đại), cồn Phú Đa, (huyện Chợ Lách), cồn Thành Long (huyện Mỏ Cày Nam) và khu vực ven các sông lớn...

Số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng cần được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện trên 1.000 tỉ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra sạt lở trên 1.100 điểm, với chiều dài khoảng 87,6km. Khoảng 700ha rừng phòng hộ đã mất. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang xảy ra 84 điểm sạt lở với chiều dài khoảng 28,2km, kinh phí khắc phục khoảng 949,5 tỉ đồng. Trong đó, vốn Trung ương là 637 tỉ đồng, vốn địa phương 312,509 tỉ đồng.

Ứng phó của các địa phương

Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết, tỉnh đã thực hiện các công trình xử lý sạt lở từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, nhưng tình hình sạt lở ngày càng nhiều. Trong năm 2023, tỉnh đã xử lý 78 điểm sạt lở với kinh phí 192,5 tỉ đồng. Địa phương đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện dự án chống sạt lở bờ biển trên địa bàn...

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, trong thời gian tới, địa phương đã yêu cầu các sở, ban, ngành cần tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách lâu dài, căn cơ theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.
Bên cạnh đó, triển khai làm cho tốt công tác khắc phục tại các điểm sạt lở, đặc biệt có dự án ở khu vực sạt lở thì phải thực hiện khẩn trương hoàn thành công trình, dự án.

"UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương có kiến nghị các vấn đề gửi về Trung ương theo dõi trên tinh thần phải đeo bám và yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tham mưu để UBND tỉnh Bến Tre có văn bản gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các dự án do Trung ương làm chủ đầu tư sớm triển khai các dự án. Đồng thời, dự báo El Nino sẽ đến sớm, cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống thiên tai" - ông Tam cho hay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết