Giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn: Chung tay hành động quyết liệt
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn đặt ra nhiều thách thức không chỉ với cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nhiều ngày qua ở Hà Nội. Ảnh: INT |
Hành động vì sức khỏe người dân
Bộ TN&MT, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” hướng đến hành động vì một “Bầu trời xanh, không khí sạch”.
“Dân số TP Hà Nội khoảng 9 triệu người, trong đó, dân số đô thị chiếm trên 40%. Mỗi ngày, mức tiêu thụ điện năng ước tính khoảng 80 triệu KWh, hàng triệu lít xăng, dầu cho các phương tiện giao thông. Hiện, trên địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp lớn, nhỏ, có 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu chiếc xe gắn máy và hơn 600.000 chiếc xe ô tô… Đây chính một trong những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí”, ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện 12 bộ, ngành; 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM; 13 địa phương là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; gần 20 chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực chuyên sâu ô nhiễm không khí.
Nghiên cứu và đánh giá của cơ quan chuyên trách, trong 10 năm trở lại đây, mức độ ô nhiễm không khí ở Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, hệ lụy từ việc phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết, ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước.
Bởi, ô nhiễm không khí không phải theo địa giới hành chính, thế nên trách nhiệm không riêng từng bộ, ngành hay của bất kỳ địa phương nào mà bảo vệ môi trường, không khí là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
“Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Ưu tiên chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.
Ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày một gia tăng, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế thực trạng.
Ông Đông liệt kê, TP Hà Nội đã xóa bỏ hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% hiện tượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt trên 90% ở tất cả các khu vực trên địa bàn Thủ đô, ngoài ra triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, chính sách với mục tiêu thành phố phát triển theo hướng kinh tế xanh, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng carbon thấp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Hiện, TP Hà Nội đã trình Quốc hội ban hành Luật Thủ đô, trong đó có khoản a Điều 28 quy định về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện giao thông ô nhiễm môi trường, nhằm cải thiện chất lượng không khí và ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.
Theo ông Đông, để giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn cần phải có các hành động mạnh mẽ, kịp thời và quyết liệt hơn nhằm mang lại bầu không khí trong lành cho người dân. Để đạt được kết quả cao, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự phối hợp hỗ trợ từ Bộ TN&MT, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương cùng với sự đồng lòng, nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân.
Từ giải pháp đến hành động
Bộ TN&MT đề xuất chọn tháng 11/2024 là điểm mốc, đánh dấu cho các hành động các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), ông Lê Hoài Nam nêu giải pháp: Cần rà soát, tham mưu trình Chính phủ ban hành các chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến quản lý chất lượng không khí.
Theo ông Nam, cần tập trung vào các chính sách về thuế, phí BVMT; chính sách về hỗ trợ về công nghệ xử lý, sản phẩm thân thiện với môi trường, giám sát chặt chẽ các nguồn phát sinh khí thải… để có các giải pháp ngăn chặn, xử lý đúng…
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị đề xuất việc kiểm soát khí thải tại nguồn đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu…
“TPHCM đã phân công các sở, ngành thực hiện các nhóm giải pháp chung. Sở TN&MT có trách nhiệm chủ trì, đôn đốc sở, ngành thực hiện kế hoạch. Địa phương đang duy trì 36 điểm quan sát liên quan đến không khí.
Theo quy hoạch, có 34 điểm quan trắc không liên tục và 20 điểm quan trắc liên tục về ô nhiễm không khí. Tích cực triển khai giải pháp giảm ô nhiễm không khí từ giao thông…”, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh - Chi cục BVMT TPHCM cho biết.
Ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thành phố đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Thiết lập hệ thống cảnh báo phòng ngừa ô nhiễm không khí; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp, thực hiện các giải pháp ngắn và dài hạn… Triển khai các chương trình hành động để hướng tới mục tiêu kiểm soát và giảm thiểu các nguồn ô nhiễm chính từ hoạt động giao thông, công nghiệp…
Hội nghị đã được nghe trình bày nhiều tham vấn, các nhóm giải pháp thành công trong giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí của số nước trong khu vực, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp căn cơ cần tập trung áp dụng và triển khai trong thời gian tới.
Báo cáo của Bộ TN&MT về chỉ số ô nhiễm không khí cho thấy, ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5), đối với các thông số khác NO2, O3, CO, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT. Giá trị bụi PM2.5 quan trắc tại các khu vực trên cả nước có sự phân hóa mạnh giữa các vùng, miền. Giá trị bụi PM2.5 cao nhất tại khu vực Hà Nội, khu vực TPHCM và các tỉnh xung quanh. Giá trị bụi PM2.5 thấp nhất thuộc khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.