Sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự báo mưa lớn ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai ngày 19.7 dự báo mưa lớn ở Bắc Bộ, khu vực Thanh Hoá, Nghệ An và khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ.

Dự báo mưa lớn ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Mưa lớn ở Nam Bộ. Ảnh Hạ Mây

Cụ thể, ngày và đêm 19.7, ở Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 100mm.

Từ ngày 19-20.7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 170mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).

Cảnh báo từ ngày 20-21.7, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 100mm. Mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp và các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá ở cấp 1.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai có thông tin cuối cùng về bão số 1. Chiều 18.7, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực các tỉnh Cao Bằng-Lạng Sơn vào chiều tối 18.7.

Ngày và đêm 19.7, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-4m, biển động mạnh. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2-3m, biển động.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển ở cấp 2.

Về tình hình thiệt hại do mưa lớn kèm theo dông, lốc. Theo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Trà Vinh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, mưa lớn kèm theo dông, lốc từ ngày 16.7-18.7 gây nhiều thiệt hại.

Cụ thể, thiệt hại về người có 1 người chết do sập nhà chờ tại bến cảng An Sơn, huyện Kiến Hải, tỉnh Kiên Giang; 3 người bị thương (Kiên Giang).

Về nhà ở, có 168 nhà bị sập, hư hỏng (Kon Tum 2, Trà Vinh 4, Vĩnh Long 9, Kiên Giang 69, Cà Mau 84).

Về nông nghiệp có 661,3ha lúa, hoa màu bị thiệt hại (Gia Lai 59,7ha; Kon Tum 51,6ha; Kiên Giang 550ha); 15,13 ha ao cá bị vỡ (Kon Tum); 400 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi (Kon Tum).

Về cơ sở hạ tầng có 1 cống thoát nước bị sạt lở (Kon Tum); 130m kênh bị cuốn trôi, sạt lở (Kon Tum 100m, Gia Lai 30m); 13 điểm giao thông bị sạt lở (Kon Tum).

Về thiệt hại do sạt lở. Tại tỉnh Tiền Giang, ngày 16.7-18.7 trên địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy đã xảy ra sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 280m.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết