Bản tin năng lượng số 11/2023
Mới đây, Ban Kinh tế Trung ương (CEC) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách” tại Hà Nội.
Chia sẻ kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Hội thảo cấp cao về điện gió ngoài khơi này nằm trong chương trình hợp tác đối tác năng lượng giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Chương trình được bắt đầu từ năm 2013 và đã thu được nhiều kết quả hợp tác tốt đẹp.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như: có đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định. Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi.
Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam.
Cùng với việc cung cấp nguồn năng lượng xanh, điện gió ngoài khơi còn hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 nhằm đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cho biết: “Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam: Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Chương trình hội thảo bao gồm 5 báo cáo chính từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học quốc tế có kinh nghiệm. Các báo cáo chính đã tập trung phân tích, trình bày tổng quan quá trình phát triển điện gió ngoài khơi toàn cầu và những điều kiện cần để khởi động các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của Việt Nam cũng như kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại một số nước như: Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Những cơ chế thí điểm, cơ chế đặc biệt cho các dự án phát triển điện gió ngoài khơi và gợi ý chính sách cho Việt Nam, khai thác nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi để bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải.
Bên cạnh các báo cáo chính, hội thảo còn có phiên thảo luận để đại diện các Bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và đại biểu trao đổi kinh nghiệm liên quan đến những thách thức cũng như cơ hội lớn cho phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam như: cơ chế cấp phép cho hoạt động khảo sát điện gió ngoài khơi hiện nay và trong thời gian tới, cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi…
Phối hợp triển khai thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng
Cuộc họp lần thứ 7 Ban chỉ đạo Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) mới đây đã diễn ra tại trụ sở Bộ Công Thương. Các đại biểu tham gia cuộc họp đã trao đổi về việc phối hợp triển khai thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP).
Phiên họp lần thứ 7 của Ban chỉ đạo VEPG nhằm đánh giá lại kết quả hoạt động của các nhóm công tác kỹ thuật trong năm 2022 cũng như xem xét lại kế hoạch hoạt động của VEPG trong năm 2023, đặc biệt là công tác tổ chức hội nghị cấp cao VEPG trong năm 2023 và tiến hành triển khai thỏa thuận JETP (thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng).
Cuộc họp lần thứ 7 Ban chỉ đạo Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG)
Tại cuộc họp, đại diện VEPG đã cập nhật các cuộc họp nhóm công tác kỹ thuật và các tổ chuyên trách cũng như kế hoạch hoạt động công tác tổng thể VEPG trong năm 2023 và giai đoạn 2023 – 2027.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị, trong năm 2023, bên cạnh các vấn đề cần tập trung như cơ chế DPPA, chuyển đổi năng lượng (công nghệ lưu trữ, công nghệ sản xuất hydrogen xanh, các điều kiện cần thiết để đáp ứng thị trường carbon..), các đối tác VEPG cần hỗ trợ Việt Nam thực hiện thỏa thuận JETP.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là đầu mối kiểm tra, rà soát sự tham gia của các Bộ, ngành cũng như của khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp khu vực tư nhân vào diễn đàn VEPG. Giao Ban thư ký VEPG tạo ra khung để điều phối các dự án, đối tác tham gia vào VEPG…
Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng hiệu quả
Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa có buổi tiếp ông Mark Garnier, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Brunei; ông Lain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam.
Trao đổi về lĩnh vực năng lượng, ông Mark Garnier đánh giá cao việc Việt Nam là một trong hai quốc gia đầu tiên của ASEAN tham gia thỏa thuận JETP với Vương quốc Anh, EU cùng các quốc gia trong nhóm G7 và cam kết sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để huy động nguồn lực tài chính, công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, muốn triển khai thành công thì JETP cần có nội hàm rõ ràng hơn, lộ trình cụ thể hơn và cần có cơ chế để hiện thực hóa các ý tưởng, cam kết bằng hành động, dự án cụ thể.
Vương quốc Anh sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, chuyên môn, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi với Việt Nam
Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Vương quốc Anh xây dựng những gói tài trợ cụ thể để hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả, trong đó hai bên cần tập trung vào 3 nội dung hợp tác sau:
Thứ nhất: hỗ trợ tư vấn chính sách để Việt Nam có thể xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch phù hợp cho tương lai.
Thứ hai: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các ngành năng lượng mới, công nghiệp mới. Trước mắt, hai bên có thể bắt đầu với việc lập nhóm kỹ thuật để xây dựng nội dung, chương trình hợp tác đào tạo cụ thể, từ đó có thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực để triển khai các ý tưởng chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới mà Vương quốc Anh có thể chuyển giao.
Thứ ba: hỗ trợ hoặc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới, làm chủ công nghệ, quá trình sản xuất các thiết bị phục vụ cho quá trình chuyển dịch năng lượng, bao gồm cả các thiết bị điện gió như cánh quạt, tuabin, động cơ điện... Sản xuất nhiên liệu mới sạch hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng như hydrogen, amoniac xanh, hỗ trợ Việt Nam xây dựng lưới điện thông minh…
Ngân Hà