Bản tin môi trường số 50/2022
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học (COP15), các quốc gia, tổ chức thành viên đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming – Montreal.
Thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming – Montreal
Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming – Montreal nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nhấn mạnh, đến 2050, đa dạng sinh học được thừa nhận, bảo tồn, phục hồi và sử dụng khôn khéo, thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người.
Định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu
Văn bản gồm 4 mục tiêu tổng quát và 23 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tập trung vào việc giảm thiểu các mối đe dọa đến đa dạng sinh học ở cả 3 cấp độ hệ sinh thái, loài, nguồn gene; đáp ứng nhu cầu của con người thông qua sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích liên quan đến việc sử dụng các giá trị của đa dạng sinh học; đảm bảo các công cụ và giải pháp cho việc thực hiện và lồng ghép Khung đa dạng sinh học toàn cầu.
Một trong những điểm mới tham vọng của Khung đa dạng sinh học toàn cầu là mục tiêu bảo tồn "30x30". Cụ thể, Khung kêu gọi 30% diện tích đất và biển của trái đất được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khác ngoài khu bảo tồn. Đồng thời, đặt mục tiêu phục hồi hiệu quả ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái bị suy thoái.
Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kuming – Montreal được thông qua đã góp phần đảo ngược quá trình mất đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu. Theo đó, các quốc gia cần gấp rút triển khai các nội dung của Khung đa dạng sinh học toàn cầu phù hợp với bối cảnh của quốc gia mình để nhanh chóng đạt được các mục tiêu nêu trên và hướng đến bảo vệ hành tinh chung của nhân loại.
Việt Nam tích cực tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học (COP15), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng đoàn Việt Nam đã tham gia phiên họp cấp cao với chủ đề “Nền văn minh sinh thái - Xây dựng tương lai chung cho mọi sự sống trên trái đất”.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu; Việt Nam luôn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học; đồng thời kêu gọi các nước thành viên có hành động tương tự để hướng đến xây dựng hành tinh thịnh vượng và khỏe mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu về công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu tại COP15
Với tư cách là thành viên tích cực của Công ước, Việt Nam kiến nghị cần nhanh chóng thiết lập các cơ chế hỗ trợ thực hiện, bao gồm cơ chế tài chính mới, huy động nguồn lực, xây dựng và phát triển năng lực, kỹ thuật, hợp tác khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác giữa các bên để thực hiện thành công các mục tiêu tham vọng của Khung đa dạng sinh học toàn cầu; tạo cơ hội để mỗi người dân, tổ chức, quốc gia phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hiện thực hóa tầm nhìn 2050 về “Sống hòa hợp với thiên nhiên”.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nêu bật những tầm nhìn khác nhau về vai trò của các doanh nghiệp trong chính sách và hành động đa dạng sinh học, cũng như về việc tích hợp các công nghệ sinh học mới nổi trong Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020. Bên cạnh đó, đại diện các quốc gia, tổ chức cũng tranh luận về cơ chế tài chính và huy động nguồn lực tiếp tục cho thấy những bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Thông qua dự thảo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030
Mới đây, Hội đồng thẩm định cấp Bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp và cho ý kiến thông qua dự thảo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp thông qua dự thảo Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch tập trung đánh giá hiện trạng và diễn biến 4 đối tượng quy hoạch, tình hình phát sinh chất thải, tác động của biến đổi khí hậu, tình hình quản lý và bảo vệ môi trường trên cả nước. 4 đối tượng quy hoạch gồm: phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, mạng lưới quan trắc môi trường.
Trong kỳ quy hoạch từ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự thảo Quy hoạch đã đề ra mục tiêu chủ động ngăn ngừa, kiểm soát tốt tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững đất nước; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Quy hoạch cũng nêu mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ môi trường cụ thể; định hướng bảo vệ môi trường quốc gia dựa trên danh mục dự án ưu tiên; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch…
Lam An