Bản tin môi trường số 40/2023
Cần tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các bên liên quan về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên, môi trường để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn đa dạng sinh học
Tại tọa đàm "Xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: Nhu cầu và giải pháp” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACE), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Trí Tín, quản lý Chương trình Quỹ bảo tồn loài - WWF Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Đặc biệt, Trung Trường Sơn là nơi sinh sống của nhiều loài quan trọng, bao gồm loài đặc hữu, quý hiếm, loài mới công bố. Tuy nhiên, những loài này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa phức tạp như nạn săn trộm, đặt bẫy trên diện rộng, khai thác gỗ bất hợp pháp, phát triển cơ sở hạ tầng, tác động của biến đổi khí hậu.
Quang cảnh tọa đàm
Để bảo tồn các loài quan trọng, WWF đang nỗ lực hỗ trợ các vườn quốc gia, khu bảo tồn thực hiện quản lý và triển khai giải pháp bảo tồn hiệu quả. Đồng thời, đóng góp cải thiện khuôn khổ pháp lý, hợp tác quốc tế, chính sách, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và tuyên truyền thay đổi hành vi xã hội trong bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã.
Các đại biểu tham gia tọa đàm đã cùng trao đổi thông tin về nhu cầu xã hội hóa công tác bảo tồn, xây dựng cộng đồng trách nhiệm, tăng cường sự tự nguyện tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học; bàn về các giải pháp thu hút nguồn lực, thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và Công ước khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal, công cụ chính sách, cơ chế dựa vào thị trường để thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ
Mới đây, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV), Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 1412/TCKTTV-QLDB gửi các đơn vị trực thuộc về việc tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ.
Những ngày vừa qua, khu vực miền Trung đã xảy ra mưa lớn gây lũ, ngập lụt ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu đô thị; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại khu vực trũng, thấp. Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Vì vậy, để đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo phục vụ ứng phó với các tình huống thiên tai, Tổng cục KTTV quốc gia yêu cầu hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV cần thực hiện nghiêm túc quy định về quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng KTTV nguy hiểm; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của của áp thấp nhiệt đới, bão. Cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo thiên tai và dự báo tác động phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương cùng nhân dân biết để chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ
Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia có trách nhiệm chủ trì công tác dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… lưu ý các hiện tượng gió mạnh, dông, lốc, tố trên các vùng biển ảnh hưởng đến tàu, thuyền, thông báo đầy đủ, kịp thời cho các Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh để cảnh báo thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai và tác động của thiên tai cho địa phương; chủ động đề xuất thảo luận trực tuyến; tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo ảnh hưởng, tác động của thiên tai nguy hiểm.
Các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh chỉ đạo các trạm KTTV trực thuộc triển khai phương án quan trắc; bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác số liệu và truyền tin kịp thời trong mọi tình huống phục vụ tốt công tác dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… Kiểm tra, đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm bảo đảm an toàn cho quan trắc viên khi thực hiện nhiệm vụ...
Đức và Việt Nam hợp tác về bảo vệ môi trường đất
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường Liên bang Đức phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo hợp tác giữa Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đất - những thành công và thách thức từ góc nhìn của Việt Nam.
Các chuyên gia về môi trường của Việt Nam và Đức tham dự hội thảo
Tại hội thảo, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường bày tỏ mong muốn được được lắng nghe các ý kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, các chuyên gia và nhà khoa học đánh giá về những kết quả hoạt động hợp tác Việt - Đức về công tác bảo vệ môi trường đất, qua đó gợi ý xác định các ưu tiên trong thời gian tới.
Theo ông Michael Zschiesche, Giám đốc Viện độc lập về các vấn đề môi trường (UfU), nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất ngày càng phức tạp vì vậy hai bên cần phải tăng cường trao đổi thêm về các biện pháp kiểm soát ô nhiễm như công cụ về thuế, phí, công nghệ kỹ thuật...; cần đẩy mạnh phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn về những chủ đề hai nước đã hợp tác trước kia, cũng như chủ đề mới khác.
Ông Michael Zschiesche nhấn mạnh, để bảo vệ môi trường đất tại Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu mối quan hệ giữa đất và khí hậu; có biện pháp quản lý hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa; tập trung hơn về quản lý đất nông nghiệp…
Ngọc Huyền